
Bệnh đái tháo đường thai kỳ diễn ra một cách thầm lặng. Thông thường thai phụ không biết mình mắc bệnh cho đến khi đi khám thai định kỳ và bác sĩ cho làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Khi bị bệnh, bà bầu cần có bí quyết riêng cho mình để sống chung với bệnh an toàn.
Mẹ Gạo
Mình từng bị thai lưu một em bé ở tuần thứ 34. Khi đó, mình cũng được xác định bị tiểu đường thai kỳ nhưng thiếu kiến thức và cũng không được hướng dẫn tận tình nên không biết cách kiêng khem, điều chỉnh. Khi bị mất con, dù lý do không được khẳng định chắc chắn, một số bác sĩ cũng nhận định rằng tiểu đường thai kỳ là thủ phạm. Mình thấy nhiều người khá chủ quan với bệnh lý này.
Sau đó, mình tìm hiểu thì với thai nhi, nếu mẹ mắc bệnh này, bé sinh ra dễ bị thừa cân, béo phì, mắc các bệnh về hô hấp và dễ bị bệnh về đường huyết hơn các bé bình thường. Với mẹ, tỷ lệ tiền sản giật cao gấp 4 lần người bình thường. Đặc biệt, nguy cơ sảy thai, thai lưu như mình là hoàn toàn có thể xảy ra.
Do đó, sau này, mình bầu hai bé sau đều phải rất cẩn thận. Vì cơ địa mình dễ mắc tiểu đường thai kỳ, nên phải cẩn thận ngay từ đầu. Dù không tránh được, mình đã tuân thủ chế độ ăn khoa học, không để tình trạng nặng lên.
Dưới đây là 3 vật bất ly thân của mình trong suốt thai kỳ:
Cân tiểu ly
Nhờ chiếc cân này, mọi thực phẩm được cân lượng đúng như bác sĩ tư vấn, đảm bảo dinh dưỡng nạp vào. Với tiểu đường thai kỳ, chế độ ăn rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới bệnh nên việc tuân thủ càng tuyệt đối càng tốt nhé các mẹ.

Máy đo đường huyết
Máy này mua khá dễ dàng ở các hiệu thuốc, cửa hàng thiết bị y tế. Với một chiếc máy đo chỉ số tiểu đường thai kỳ tại nhà, mình có thể tự đo đường huyết bất cứ lúc nào. Mình thường thử đường huyết lúc đói (trước các bữa ăn), sau bữa ăn từ 1-2 giờ, trước khi ngủ hoặc bất cứ lúc nào cảm thấy mệt hoặc có biểu hiện của hạ đường huyết. Quan trọng nhất là đo sau khi ăn, vì nó giúp mình phát hiện thực phẩm nào không an toàn, gây tăng đường huyết cao để tránh hoặc hạn chế. À, mình tự bấm không đau lắm đâu nhé, chỉ như kiến cắn thôi.
Bảng theo dõi
Cái này chính là tổng hợp lại cả 2 dụng cụ trên. Mình dùng để ghi chú thực đơn theo bữa và lượng đường tương ứng sau ăn, từ đó xây dựng cho mình một thực đơn phù hợp. Khi gặp bác sĩ khám thai định kỳ, mình cũng thường trao đổi và nhờ bác góp ý qua bảng theo dõi này.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được cho các mẹ, mong các con được chào đời khỏe mạnh, đừng như bé đầu của mình.