
Thời điểm mang thai con đầu lòng, mẹ chồng dặn tôi kiêng ăn cà, ốc và hột vịt lộn. Dù biết không đúng nhưng tôi vẫn ngại bày tỏ ý kiến vì sợ mất lòng bà.
Hoa Đào
Sau hơn 4 năm cưới nhau mà chưa có “tin vui”, tôi và chồng quyết định nhờ cậy IVF để có được bé đầu lòng.
Vì là con cầu con khẩn, tôi rất cẩn trọng trong việc ăn uống và đi đứng, ngay từ những ngày đầu thai kỳ. Như bao bà mẹ khác, bên cạnh kiến thức góp nhặt từ sách vở, tôi cũng tham khảo ý kiến người đi trước, trong đó có mẹ chồng.
Mẹ chồng tôi là người cẩn thận, chu đáo và thương con quý cháu nhưng một số quan niệm trong việc chăm sóc phụ nữ mang thai đã không còn phù hợp hoặc sai hoàn toàn kiến thức khoa học. Chưa kể, tính mẹ chồng tôi cũng khá cực đoan, điều gì đã nhận định đúng thì thường yêu cầu con cái phải làm theo.

Nói riêng về chuyện ăn uống, lúc tôi háo hức báo tin có bầu, mẹ vui lắm và ngay hôm sau gửi hẳn một check-list món gì ăn được, không ăn được và yêu cầu hai vợ chồng đọc kỹ. Trong danh sách này, mẹ dặn đi dặn lại không được ăn thực phẩm ảnh hưởng đến thai nhi như ốc, hột vịt lộn hay các loại cà.
Tôi đọc và tìm hiểu nhiều nguồn tin thì thấy đây là quan điểm dân gian truyền miệng, mà lý do cần kiêng khem những thực phẩm này rất đa dạng. Ví dụ ốc thì nổi tiếng tính hàn, được cho là có thể gây sảy thai hay khiến con sinh ra bị tật chảy dãi. Cà chứa nhiều chất độc, ảnh hưởng sức khỏe thai nhi. Có người còn tin là bà bầu ăn cà con sinh ra con bị cà lăm (nói lắp). Tương tự, trứng vịt lộn có nhiều cholesterol, không tốt với bà bầu.
Trong ba tháng đầu thai kỳ, tôi vẫn theo lời dặn của mẹ. Nhưng trải qua thời gian ốm nghén mòn mỏi hơn 3 tháng, tôi lại thèm đủ thứ, khi thì muốn ăn trứng vịt lộn, lắm lúc muốn lễ ốc. Dù mỗi bữa mẹ chồng vẫn chăm chút thực đơn giàu dinh dưỡng, nhưng cứ lặp đi lặp lại những món quen, trong khi đồ muốn ăn lại không có, tôi ngại mà không dám mở lời.

Thời điểm khám thai định kỳ, tôi cũng bày tỏ những thắc mắc với bác sĩ về chuyện này. Lúc này mới vỡ lẽ các quan điểm xưa có đúng có sai, riêng việc kiêng khem ốc, cà và trứng vịt lộn thì không đúng. Theo bác sĩ, ốc là nguồn cung cấp protein, canxi, sắt, rất tốt cho sức khỏe cả mẹ và bé. Khi ăn, mẹ bầu chỉ cần lưu ý chọn ốc sạch, nấu chín kỹ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là có thể thưởng thức.
Bác sĩ cũng khuyến khích tôi ăn thêm trứng vịt lộn, bởi đây là thực phẩm giàu dinh dưỡng, giàu protein. Tuy nhiên, do hàm lượng cholesterol cao, bác sĩ dặn dò nên ăn có chừng mực, khoảng 1-2 quả mỗi tuần. Ngoài ra, chỉ ăn trứng, hạn chế ăn rau răm trong ba tháng đầu, vì một số chất trong loại rau này có thể kích thích thành tử cung co bóp.
Với các loại cà, bác sĩ dặn ăn cà tím vì chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là vitamin C và kali. Cà cũng có tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc.
Sau khi được bác sĩ hướng dẫn về dinh dưỡng, tối mới có thể làm rõ những ngộ nhận trong thực đơn hàng ngày. Dù có tham khảo sách vở, tuy nhiên một số quan điểm dân gian vẫn rất khó kiểm chứng. Chỉ khi trao đổi với bác sĩ và tìm hiểu qua các kênh thông tin chính thống, mẹ bầu mới có thể biết được đâu là đúng/sai trong việc chăm sóc bản thân và lo cho sức khỏe thai nhi.
Tôi chia sẻ với mẹ chồng về những thông tin mà bác sĩ hướng dẫn, song bà phản ứng có phần gay gắt vì vẫn tin những kinh nghiệm dân gian hơn. Tôi cũng không muốn gia đình bất hòa nên cũng dừng câu chuyện và không tranh cãi.

Tôi chuyển hướng tâm sự với mẹ ruột để bà hiểu và giúp tôi giải tỏa cơn thèm đồ ăn. Và sự thật là, việc ăn ốc, cà tím hay trứng vịt lộn không gây hại gì cho hai mẹ con cho đến ngày sinh nở. Bé Bống và tôi đều khỏe mạnh, vượt cạn thuận lợi, cân nặng ở ngưỡng an toàn.
Với tôi, khi nghe một tin về sức khỏe, cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn và nếu chưa đủ sẽ nhờ bác sĩ tư vấn để hiểu rõ tường tận trước khi áp dụng. Tôi cũng nghĩ các mẹ bầu nên cẩn trọng hơn trong việc chọn lọc thông tin, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé suốt thai kỳ.