
Khi bé bước sang tháng tuổi thứ 6, thức ăn dặm giữ vai trò quan trọng bên cạnh sữa mẹ. Tùy vào lựa chọn của mỗi gia đình, bé có thể làm quen nhiều phương pháp ăn dặm khác nhau.
Ăn dặm truyền thống
Phương pháp ăn dặm truyền thống sử dụng bột hoặc cháo xay nhuyễn, thường được đút bằng thìa. Đây là cách làm phổ biến lâu đời trong gia đình Việt.
Phương pháp này dễ thực hiện, phù hợp đa số điều kiện sống và thói quen của thế hệ trước. Mẹ có thể kiểm soát được lượng và thành phần dinh dưỡng trong từng bữa ăn. Nếu bé hợp tác tốt, quá trình tăng cân diễn ra thuận lợi.
Tuy nhiên, nhược điểm là bé thường bị động trong ăn uống, ít cơ hội tự điều chỉnh lượng ăn theo nhu cầu thật sự. Con có thể hình thành thói quen phụ thuộc việc đút, từ đó dễ biếng ăn, chậm phát triển kỹ năng nhai.

Ăn dặm kiểu Nhật
Ăn dặm kiểu Nhật tôn trọng vị nguyên bản của thực phẩm. Mỗi món ăn được chế biến riêng, trình bày bắt mắt và có lộ trình tăng độ thô theo từng giai đoạn phát triển của trẻ. Khi được ăn dặm kiểu này, bé hình thành vị giác tự nhiên, dễ nhận biết món nào thích và không, hoặc phát hiện sớm phản ứng dị ứng. Việc không ép ăn cũng giúp trẻ giữ được tâm lý tích cực.
Tuy nhiên, phương pháp này khá tốn thời gian chuẩn bị và chế biến, đòi hỏi sự kiên nhẫn từ người chăm sóc. Nếu không tính toán kỹ về năng lượng, khẩu phần có thể thiếu hụt dưỡng chất, đặc biệt là đạm và chất béo.

Ăn dặm tự chỉ huy (BLW)
Với phương pháp BLW, bé được tự cầm thức ăn và quyết định ăn bao nhiêu, ăn món nào. Cha mẹ không đút mà chỉ chuẩn bị đồ ăn phù hợp để bé tự khám phá. Ưu điểm nổi bật là giúp bé phát triển kỹ năng vận động (cầm nắm, phối hợp tay - miệng), đồng thời học cách nhận biết cảm giác no và đói. Trẻ cũng trở nên chủ động và hứng thú hơn khi được tham gia vào quá trình ăn.
Dẫu vậy, BLW không phù hợp tất cả bé. Bé có thể ăn rất ít trong giai đoạn đầu, làm tăng nguy cơ thiếu sắt hoặc năng lượng nếu không kết hợp khéo léo. Ngoài ra, phương pháp này đòi hỏi sự giám sát liên tục để tránh nguy cơ hóc nghẹn.
>> Đọc thêm:
Cha mẹ cần nhớ: Dấu hiệu và cách xử lý hóc nghẹn
Nấu đồ ăn dặm BLW sao để bé không hóc nghẹn?

Thực tế, không có cách ăn dặm nào tốt nhất cho mọi bé. Có trẻ hợp kiểu ăn đút, có trẻ thích được tự khám phá. Một số gia đình cũng lựa chọn cách tiếp cận linh hoạt - kết hợp nhiều phương pháp theo từng giai đoạn hoặc thời điểm trong ngày.
Quan trọng nhất, cha mẹ cần quan sát phản ứng của con, tôn trọng tín hiệu đói và no, đồng thời tạo môi trường ăn uống tích cực và kiên nhẫn.
Nội dung được tư vấn bởi BS Vi Thị Tươi Trưởng Phòng Đào tạo tại Viện Nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng (NRECI) 105 Trần Thiện Chánh, phường 12, quận 10, TP.HCM --- Nếu bạn đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và có câu chuyện muốn chia sẻ với Đi Cùng Con, xin vui lòng gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con. |
Bình luận