
Theo cách hiểu từ dân gian, vết bớt xanh hoặc đỏ trên da trẻ sơ sinh thường được gán với yếu tố tâm linh như “dấu ấn từ kiếp trước” hay Bà Mụ đánh dấu. Tuy nhiên, đây là cách lý giải truyền miệng và khó xác thực. Vậy theo khoa học, bớt xanh trên da trẻ sơ sinh là do đâu?
Mẹ Bao Bao

Dấu hiệu nhận biết
- Bớt xanh có nhiều kích thước, rìa bớt không đều và hình dạng bất quy tắc.
- Màu sắc đa dạng như xám, nâu, xanh, tím nhìn như vết bầm và hòa vào da.
- Các vết bớt xanh thường xuất hiện ở lưng dưới, mông, đôi khi ở vai hoặc tay chân.
Nguyên nhân hình thành
Cụm từ “Mongolian spot” xuất hiện từ thế kỷ 19 khi bác sĩ người Đức ghi nhận hiện tượng này xuất hiện phổ biến ở trẻ sơ sinh gốc Mông Cổ. Thực tế, theo thống kê y khoa được đăng trên ScienceDirect, bớt xanh xuất hiện ở 80% trẻ em châu Á.
Còn theo nghiên cứu da liễu (DermNet NZ), bớt xanh là do tế bào sắc tố melanin không kịp di chuyển lên lớp thượng bì mà bị giữ lại ở lớp trung bì trong giai đoạn bào thai. Do đó, dưới ánh sáng chiếu xuyên qua da, phần sắc tố này phản chiếu ra màu xanh xám đặc trưng.
Mẹ có nên lo lắng khi con bị bớt xanh?
Vì là dấu hiệu lành tính, không liên quan đến gene bệnh lý hay di truyền, các vết bớt này không ảnh hưởng đến sức khỏe và thường tự biến mất trong một khoảng thời gian mà không cần can thiệp y khoa.
Tuy nhiên, mẹ cần chú ý đến các dấu hiệu:
- Bớt nằm ở mặt, vùng mắt, trán: Có thể là bớt Ota, sẽ tồn tại vĩnh viễn nếu không được điều trị.
- Bớt không mờ sau 5-6 tuổi: Gia đình cần theo dõi, đôi khi can thiệp thẩm mỹ.
- Bớt lan rộng, có nhiều mảng rải rác: Mẹ nên cho con khám chuyên khoa để loại trừ bệnh hệ thần kinh da (neurocutaneous syndrome).
Những mảng bớt màu xanh trên da trẻ sơ sinh có thể khiến nhiều mẹ bối rối, nhưng thực tế lại là hiện tượng lành tính và phổ biến. Việc hiểu đúng bản chất sẽ giúp mẹ yên tâm hơn, tránh nghe theo những quan niệm dân gian thiếu cơ sở.

Ngoài bớt xanh, nhiều mẹ cũng nhận thấy da con xuất hiện một số vết bớt màu đỏ. Thông thường dạng bớt này do mạch máu, thường được chia thành:
- Vết mổ cò (bớt đốm cá hồi): Hồng nhạt hoặc đậm, xuất hiện trên da ở vùng sống mũi, vùng dưới trán, sau đầu, cổ và mí mắt của trẻ sơ sinh.
- Bớt mạch máu: Màu đỏ và tập trung ở khu vực cổ, đầu và thân mình.
- Bớt rượu vang đỏ: Vết phẳng có màu tím đến đỏ như màu rượu vang, xuất hiện ở mặt, ngực và lưng, thường ở 1 bên của cơ thể.
Hai loại đầu là bớt lành tính và có thể lặn theo thời gian. Tuy nhiên khi xác định con bị bớt rượu vang đỏ, cha mẹ nên đưa bé đi khám để phòng ngừa một số bệnh lý như tăng nhãn áp. Ngoài ra, loại bớt này là vĩnh viễn và có thể dày lên hoặc sẫm màu theo thời gian. Khi xuất hiện ở vị trí nổi bật trên cơ thể, bớt có thể ảnh hưởng đến ngoại hình nên cha mẹ nên cân nhắc can thiệp thẩm mỹ để xóa bỏ.
"Từ điển làm mẹ" là thế giới "từ mới" và "thuật ngữ" chỉ những người làm mẹ mới hiểu. Nếu bạn đang hoặc sắp bước vào hành trình đảm nhiệm thiên chức thiêng liêng, hãy chia sẻ "từ điển" thú vị của riêng mình với cộng đồng Đi Cùng Con. Đừng ngần ngại gửi về địa chỉ email chiase@dicungcon.vn. Mỗi đóng góp của bạn đều rất quý giá và sẽ giúp ích cho rất nhiều người đấy! |