
Nhiều người cho rằng thèm ăn khi mang thai là dấu hiệu thiếu hụt chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống, tuy nhiên không có bằng chứng nào cho thấy điều này.
Hà Lan
3 tháng đầu thai kỳ, cảm giác thèm ăn xuất hiện thường xuyên khiến tôi khá lo lắng, sợ cơ thể thiếu chất, ảnh hưởng đến sức khỏe con. Tìm hiểu nhiều hơn, tôi nhận ra không có căn cứ khoa học cho nhận định này. Cảm giác thèm ăn khi mang thai có thể đến từ sự thay đổi hormone, tác động tới hệ thần kinh trung ương, vị giác và khứu giác.
Tuy nhiên, tôi cũng hiểu chế độ ăn uống khi mang thai hỗ trợ sức khỏe và cung cấp dinh dưỡng cho em bé nên luôn cố gắng xây dựng thói quen dinh dưỡng lành mạnh, ít đường, muối, chất béo bão hòa.
Chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều loại thức ăn bổ dưỡng từ 5 nhóm thực phẩm, gồm: Ngũ cốc; rau và các loại đậu; thịt nạc và thịt gia cầm, cá, trứng, đậu phụ; hoa quả; sữa và chế phẩm sữa. Các mẹ cũng nên bổ sung folate, sắt, iot và vitamin D. Đây đều là chất dinh dưỡng cần thiết, hỗ trợ sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
Thực phẩm nên tránh khi mang thai
Nhiễm khuẩn listeria, salmonella hoặc toxoplasmosis khi mang thai có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho em bé và làm tăng nguy cơ sảy thai. Vì vậy, giai đoạn này, mẹ nên tránh các loại thực phẩm dễ mang vi khuẩn hoặc ký sinh trùng.
Việc chọn lọc loại cá để ăn trong thai kỳ rất cần thiết. Bạn nên tránh một số loại chứa hàm lượng thủy ngân cao như cá nhám, cá cờ xanh, cá tráp cam, cá kiếm, cá da trơn, cá thu vua…

Quan trọng không kém, các mẹ nên kiểm tra ngày hết hạn sử dụng và đảm bảo thực phẩm được bảo quản đúng cách. Nếu nghi ngờ về độ an toàn của một loại thực phẩm nào đó, tôi luôn lựa chọn không sử dụng.
Ngoài ra, thực phẩm chế biến sẵn có xu hướng chứa nhiều đường, chất béo và muối. Có hương vị thơm ngon và tiện lợi nhưng chúng không đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của cả mẹ và bé. Khi mang thai, tôi thường tránh dùng thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, nhiều muối và đường cũng như rượu.
Lưu ý khi chế biến thức ăn
Bạn cần cẩn trọng khi mua sắm, chuẩn nguyên liệu, đảm bảo vệ sinh khi chế biến thức ăn. Ngộ độc thường xảy ra khi thực phẩm nhiễm một số vi khuẩn hoặc vi rút nhất định. Chúng ta dễ nhận ra đồ ăn bị ô nhiễm vì mùi khó chịu hoặc màu sắc, hình dạng khác bình thường nhưng không phải lúc nào dấu hiệu cũng rõ ràng.
Vì thế, khi chuẩn bị đồ ăn, bạn cần lưu ý rã đông thịt, đặc biệt gia cầm, trong tủ lạnh hoặc lò vi sóng; rửa tay trước khi nấu nướng và ăn uống; sử dụng các loại thớt khác nhau cho rau và thịt; rửa bàn, thớt và đồ dùng bằng nước xà phòng nóng; thay khăn lau bát đĩa thường xuyên; nấu chín kỹ thức ăn và không ăn thịt hoặc cá sống/tái; hâm nóng thức ăn ở nhiệt độ ít nhất 60 độ C.

Mẹ bầu nên uống gì?
Đồ uống an toàn nhất khi mang thai là nước và sữa. Để đổi vị, mẹ có thể uống một ít nước giải khát ít đường, lượng nhỏ nước trái cây, soda hoặc nước khoáng.
Tương tự, một lượng nhỏ trà, cà phê được cho là an toàn. Để tránh tác dụng phụ, Học viện Sản khoa và Phụ khoa Mỹ khuyên phụ nữ nên nạp vào lượng caffeine không quá 200 mg/ngày. Bạn có thể tham khảo hàm lượng caffeine trong các loại đồ uống: 1 tách cà phê hòa tan - 60 mg, 1 ly cà phê espresso - 100 mg, 1 tách trà - 30 mg, 1 lon cola 375 ml - 49 mg, nước tăng lực lon 250 ml - 80 mg và 100 g chocolate sữa - 20 mg.
Theo Pregnancybirthbaby