

Những loại quả quen thuộc, dân dã với mẹ bầu nhiều thế hệ như hồng xiêm, đu đủ, chuối... là nguồn cung cấp vitamin rất dồi dào cho thai kỳ khỏe mạnh.
Hồng xiêm
Hồng xiêm rất tốt cho người cần bổ sung nhiều năng lượng, đặc biệt phụ nữ có thai. Có đa dạng vitamin và khoáng chất, cùng nhiều chất chống oxy hóa thiết yếu, hồng xiêm trở thành loại thực phẩm tốt cho thai phụ.

Mẹ bầu ăn hồng xiêm không chỉ tốt cho sức khỏe, mà còn hỗ trợ làm đẹp da và tóc. Thực tế, phần lớn mẹ bầu ăn hồng xiêm không gặp bất kỳ phản ứng xấu nào. Tuy nhiên, do loại quả này có hàm lượng calo cao, mẹ bầu ăn nhiều sẽ dễ tăng cân. Do đó, bạn chỉ nên ăn khoảng 100-120 gram hồng xiêm/ngày. Bạn cũng cần lưu ý không nên ăn hồng xiêm xanh vì nhựa từ quả xanh có thể gây táo bón.
Khế
Khế là loại quả giàu chất xơ, vitamin C, E cùng nhiều khoáng chất tốt. Quả khế mọng nước, có vị chua ngọt thanh nên rất dễ ăn. Phụ nữ mang thai nên đưa khế vào thực đơn ăn uống hàng ngày, bởi loại quả này rất tốt cho sức khỏe. Khế hỗ trợ tăng đề kháng, ngừa táo bón, ngăn nhiễm trùng đường tiết niệu, giảm triệu chứng ốm nghén, tốt cho răng, miệng, mắt…

Đặc biệt, đây là loại quả lành tính, an toàn với hầu hết mẹ bầu. Tuy nhiên, trong trường hợp bị thận hoặc đau dạ dày, mẹ bầu không nên ăn khế, nhất là khế chua. Bởi khế chứa nhiều axit oxalic, không tốt cho người thận yếu. Nếu sau khi ăn khế 1-5 giờ, cơ thể cảm thấy buồn nôn, ói mửa, nấc cụt và mất ngủ, mẹ bầu có thể loại bỏ khế khỏi thực đơn.
Chuối
Chuối chứa bột đường, canxi, magie - các chất dinh dưỡng thiết yếu, cần cho sự phát triển toàn diện thai nhi. Vào những tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu nên ăn chuối để cải thiện tình trạng buồn nôn do ốm nghén. Ngoài ra, chuối có nhiều vitamin B9 giúp phòng ngừa dị tật não và cột sống ở thai nhi. Chuối còn giúp cho hệ xương của thai nhi phát triển tốt và phòng ngừa nguy cơ tiền sản giật, giảm chuột rút cũng như nguy cơ sinh non, nhẹ cân ở trẻ.

Mẹ bầu ăn chuối thường xuyên có thể giảm táo bón, điều hòa hệ vi sinh đường ruột, kìm hãm sự phát triển vi khuẩn có hại, tăng cường lợi khuẩn. Nếu ăn chuối mỗi ngày, mẹ bầu cũng có thể phòng ngừa tình trạng thiếu máu. Trường hợp bị đái tháo đường, dị ứng chitinase có trong mủ chuối, bạn không nên ăn loại quả này.
Ổi
Ổi có nhiều vitamin thiết yếu như vitamin C, A, E và B2; dồi dào khoáng chất như đồng, canxi, kali, phốt pho, mangan và thiamine... Lượng sắt có trong ổi giúp mẹ bầu giảm nguy cơ thiếu máu khi mang thai. Ngoài ra, ổi chứa nhiều vi chất thiết yếu như vitamin B9 và acid folic, giúp phòng ngừa rối loạn thần kinh, tim mạch và hỗ trợ cho sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi.

Ổi cũng là nguồn cung cấp canxi tự nhiên dồi dào, rất tốt cho mẹ bầu. Tuy nhiên, vỏ ổi chứa nhiều tanin, có thể gây ra táo bón nếu ăn nhiều. Do đó, bạn chỉ nên ăn ổi chín và gọt bỏ vỏ khi thưởng thức.
Đu đủ
Đu đủ chín chứa nhiều carotenoit, axit hữu cơ, vitamin A, B, C, chất béo, xenluloze, canxi, phốt pho, magie, sắt, kẽm, thiamin, riboflavin. Thường xuyên ăn đu đủ giúp mẹ bầu ngăn ngừa táo bón, giảm cơn nghén. Beta-carotene và axit folic trong đu đủ chín giúp thai nhi phát triển thị giác, thần kinh và não bộ hiệu quả.

Cũng cần lưu ý, trong đu đủ có enzyme latex nên dễ gây phản ứng cho mẹ bầu khi ăn. Do vậy, mẹ bầu nên ăn vừa phải để tránh dị ứng; không nên ăn đu đủ khi có dấu hiệu tiêu chảy.