
Có nhiều bằng chứng cho thấy trẻ bắt đầu học hỏi từ khi còn trong bụng mẹ. Vậy, làm thế nào để "dạy con" khi còn trong bụng mẹ?
Mẹ Bánh Bao
Theo trang parenting.firstcry.com, bí quyết nằm ở việc tương tác với bé. Khi bé đạp, cha mẹ hãy khuyến khích con bằng cách trò chuyện và chạm vào nhiều vị trí trên bụng bầu. Dõi theo tương tác của cha mẹ, con sẽ hướng những cú đạp đến vị trí tương ứng. Đọc truyện cũng là cách tuyệt vời để con trải nghiệm và học hỏi từ sớm.

Đọc truyện: Theo nghiên cứu, việc đọc sách, kể truyện cho bé từ khi còn trong bụng mẹ sẽ giúp con phát triển sở thích và khả năng học tập trong tương lai. Do đó, cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện với bé để tăng cường gắn kết, tạo dựng nền tảng thể chất và trí tuệ trong tương lai.

Tập thể dục: Hormone giảm đau tự nhiên Endorphin thường được giải phóng trong quá trình tập thể dục. Với thai nhi, hormone này ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển thể chất. Khi mẹ vận động, con cũng sẽ cải thiện lưu thông máu, kích thích phát triển tế bào thần kinh ở vùng hippocampus, tăng cường khả năng học hỏi và ghi nhớ (lên đến 40%).

Tắm nắng và bổ sung vitamin D: Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ xương và não bộ của bé. Thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tự kỷ và xương yếu. Do đó, mẹ bầu nên dành thời gian tắm nắng ít nhất 20 phút mỗi ngày và bổ sung vitamin D từ thực phẩm hoặc viên uống để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Massage bầu: Từ tuần 20, bé có thể cảm nhận cử chỉ vuốt ve trên bụng mẹ. Việc massage nhẹ nhàng giúp bé thư giãn, phát triển hệ thần kinh và tăng cường sự liên kết với mẹ. Thú vị hơn, bé còn có thể phân biệt được những cái chạm của mẹ và bố.

Trò chuyện: Từ tuần 18 thai kỳ, bé bắt đầu cảm nhận âm thanh xung quanh và đến tuần 25-26, có thể phản ứng với giọng nói và tiếng ồn từ thế giới bên ngoài. Trò chuyện thường xuyên, nhẹ nhàng giúp bé quen thuộc với giọng nói của mẹ. Việc chia sẻ những trải nghiệm vui vẻ hay đơn giản là kể ra những hoạt động hàng ngày cũng giúp bé ghi nhớ tốt hơn. Từ tuần thứ 27, khi tai và não bộ dần hoàn thiện và kết nối, bé sẽ bắt đầu phản ứng với ngôn ngữ, giọng điệu. Đây là nền tảng cho khả năng giao tiếp về sau.

Ăn uống đúng cách: Vị giác của bé bắt đầu hình thành từ tuần 12, theo đó sở thích ăn uống được định hình vào khoảng tuần 25. Những gì mẹ nạp vào cơ thể ảnh hưởng đến hương vị của nước ối, từ đó tác động đến sở thích ăn uống của bé sau khi chào đời. Ví dụ, những bà mẹ thường xuyên uống nước cà rốt trong thai kỳ, con sinh ra có xu hướng thích món ăn từ cà rốt.

Nghe nhạc: Âm nhạc nhẹ nhàng mang lại lợi ích to lớn cho sự phát triển của thai nhi. Nghiên cứu khoa học cho thấy, ngay từ trong bụng mẹ, bé đã phản ứng với âm nhạc bằng cách tăng cường vận động. Các bản nhạc cổ điển là lựa chọn tuyệt vời bởi khả năng tăng cường nhận thức cho bé.

Ca hát: Giống như nghe nhạc hòa tấu, việc hát ru mang đến trải nghiệm gắn kết cho cả mẹ và bé. Bé sẽ nhận ra giọng nói của mẹ và cảm thấy thoải mái với những bài hát có giai điệu du dương. Đây là cách tuyệt vời để giới thiệu âm nhạc và nhịp điệu cho con yêu.

Thiền định: Quản lý căng thẳng là điều cần thiết trong thai kỳ. Việc tập thiền định, hít thở sâu và yoga bầu giúp bạn giảm thiểu cảm xúc tiêu cực, tạo môi trường yên tĩnh và thư giãn, hỗ trợ cho sự phát triển cảm xúc và thần kinh của thai nhi.

Trò chơi tương tác: Bằng cách nhẹ nhàng ấn vào bụng khi bé đạp hoặc cử động, trò chơi tương tác này giúp cha mẹ thiết lập sự gắn kết, kích thích các giác quan đang phát triển của bé. Theo thời gian, bé có thể phản ứng với những cái chạm của mẹ, thúc đẩy giao tiếp sớm.

Kích thích thị giác: Dù nhắm mắt suốt thai kỳ, đến tuần 28, con sẽ bắt đầu mở mắt và phản ứng với ánh sáng. Mẹ có thể chiếu ánh sáng dịu nhẹ lên bụng, bé sẽ di chuyển về phía ánh sáng. Điều này hỗ trợ và kích thích thị giác của con phát triển.
Theo Parenting.firstcry.com