
Suốt giai đoạn thai kỳ, mẹ luôn trông chờ dõi theo từng cái đạp của con yêu. Các chuyên gia cho hay, ở từng tam cá nguyệt, cách chuyển động của bé có thể tiết lộ một phần tình trạng thai kỳ.
Hồng Trang
Cảm nhận từng nhịp chuyển động của con yêu lúc còn trong bụng mẹ là niềm hạnh phúc kỳ diệu của mẹ bầu trong 9 tháng mang thai. Chuyển động của thai nhi không chỉ là cách bé phát triển và tương tác với mẹ, mà còn đóng vai trò quan trọng trong suốt thai kỳ.
Cụ thể, Bác sĩ sản phụ khoa Ashley Parr tại Bệnh viện Phụ nữ thuộc Trung tâm Y tế MemorialCare Saddleback (Laguna Hills, California) cho biết: “Cử động của thai nhi giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tình trạng của bé trong giai đoạn thai kỳ. Nếu thai nhi cử động tốt, mẹ có thể yên tâm, trái lại, nếu cử động của thai nhi giảm, mẹ cần quan tâm tìm hiểu thêm”.
Bác sĩ Karla Robinson cho biết cha mẹ có thể cảm nhận những chuyển động của thai nhi từ tuần thứ 16 của thai kỳ. Nếu mang thai con so, mẹ có thể chờ lâu hơn một chút, khoảng từ tuần 20 đến 22. Đồng thời, vị trí nhau thai cũng ảnh hưởng đến thời gian chuyển động của thai nhi. “Nếu có nhau thai phía trước, mẹ bầu sẽ khó cảm nhận được những chuyển động ban đầu của con hơn”, Bác sĩ Karla Robinson cho biết thêm.

Dù các mẹ chỉ có thể cảm nhận con đạp từ tam cá nguyệt thứ hai, thực chất các chuyển động của thai nhi đã diễn ra sớm hơn nhiều. Cụ thể, thai nhi thường bắt đầu cử động từ tam cá nguyệt thứ nhất, khoảng tuần thứ 7 của thai kỳ, nhưng còn quá nhỏ để mẹ cảm nhận được. Bé có thể chuyển động tay chân, đầu hoặc miệng. Nếu ba mẹ thăm khám thai định kỳ và thực hiện siêu âm sớm sẽ có thể nhìn thấy những cử động này.
Ở tam cá nguyệt thứ hai, bé chuyển động nhiều hơn, nhưng chưa phải là những cú đạp có thể thấy rõ bằng mắt thường. Từ tuần 16 trở đi, mẹ có thể cảm nhận những cơn rung nhẹ ở vị trí xương chậu. Đó là “màn biểu diễn” của con.
Bước qua tam cá nguyệt cuối cùng, những chuyển động của thai nhi trở nên rõ ràng hơn. Mẹ sẽ cảm nhận bé đang đạp, đấm, vươn và lăn người rất thú vị.
Càng gần ngày dự sinh, các chuyển động sẽ giảm dần do bé đã lớn hơn và không gian bên không bụng mẹ không còn nhiều. Mẹ không cần quá lo lắng vì đây là hiện tượng bình thường. Bác sĩ Parr cho biết khi mang thai càng lâu, cơ thể người mẹ sẽ quen với cảm giác con đạp và không cảm thấy khác lạ nữa. Nếu cảm thấy bé ít chuyển động hơn, mẹ có thể ngồi lại một chỗ yên tĩnh, hít thở sâu và cảm nhận thai nhi. Mẹ bầu cũng có thể xoa bụng, nghe nhạc hoặc uống một ít nước để kích thích bé chuyển động, bác sĩ gợi ý.
Theo Parents