

Trẻ không chịu ăn uống là vấn đề thường gặp khiến cha mẹ trăn trở. Nhiều người tìm mọi cách để ép con ăn, song tình trạng không cải thiện.
Vì sao trẻ biếng ăn?
Việc trẻ không hứng thú với ăn uống, thậm chí biếng ăn khiến cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên, không phải bao giờ biếng ăn cũng là biểu hiện của bệnh tật. Việc ép trẻ ăn thậm chí còn gây phản tác dụng. Có nên ép trẻ ăn hay không còn tùy thuộc vào mức độ, bệnh lý.
Trẻ được xem là biếng ăn khi có có các dấu hiệu như không chịu ăn hết khẩu phần của mình hoặc bữa ăn kéo dài hơn 30 phút, ngậm thức ăn, không chịu nuốt, chạy trốn hoặc khóc lóc, gào thét khi thấy thức ăn, thậm chí nôn ọe…
Trẻ không chịu ăn uống có thể xuất phát từ bệnh lý. Một số bệnh khiến trẻ không muốn ăn là nhiễm giun sán, tiêu chảy, ốm, sốt…
Nguyên nhân khác đến từ tâm lý, khá thường gặp. Trẻ biếng ăn do bị ép buộc thời gian, không gian, không khí căng thẳng, bị mắng… Hoặc trẻ biếng ăn do sai lầm trong chế biến thức ăn. Chẳng hạn, cha mẹ ép trẻ ăn đi ăn lại một loại thức ăn gây cho trẻ cảm giác chán ngán. Do đó, cha mẹ không nên ép trẻ ăn mà phải tìm hiểu lý do để khắc phục.

Hướng xử trí
Nếu trẻ mắc bệnh lý, cần đưa trẻ tới các cơ sở khám và điều trị. Đồng thời, cha mẹ nên thay đổi trong cách chăm sóc để trẻ có tâm lý thoải mái như cho trẻ ăn vừa đủ số lượng và số bữa phù hợp với lứa tuổi. Khẩu phần cần phù hợp với độ tuổi. Tránh cho trẻ ăn quá nhiều làm trẻ quá no và gây khó chịu dẫn đến sợ ăn. Cho trẻ ăn đa dạng các loại thức ăn để phòng tránh thừa hoặc thiếu vitamin, khoáng chất.
Cha mẹ không nên bắt ép trẻ ăn, không quát mắng, dọa dẫm hay đánh trẻ. Hạn chế tối đa sự mất tập trung khi cho trẻ ăn như vừa ăn vừa xem tivi, chơi điện thoại, chơi game hay đi ăn rong.
Cha mẹ cũng nên thay đổi thức ăn cho trẻ hàng ngày, cho trẻ ăn nhiều món ăn khác nhau, tôn trọng sở thích riêng bằng cách cho trẻ ăn món bé thích. Nếu trẻ từ chối ăn một loại thức ăn mới, cha mẹ đừng cố ép mà hãy thử vào thời điểm khác. Không nên cho trẻ ăn quà vặt như bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn.