
Bữa ăn dặm đầu tiên là dấu mốc quan trọng của con. Tuy nhiên, bước phát triển này cũng đặt ra nhiều câu hỏi: Khi nào nên bắt đầu? Bé có thể ăn gì?
Ngọc Hà
Dưới đây, bạn sẽ tìm thấy những thông tin quan trọng để khởi đầu thành công với chế độ ăn dặm dành cho con.
Thời điểm tốt nhất để trẻ chuyển sang thức ăn dạng đặc
Từ tháng 4 đến tháng thứ 6 là lúc bắt đầu quá trình chuyển đổi nhẹ nhàng từ sữa mẹ hoặc sữa công thức sang thức ăn đặc. Bên cạnh bú mẹ hoặc ăn sữa ngoài, thời điểm này phù hợp để cho bé ăn dặm bổ sung.
WHO khuyến nghị nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Nhiều mẹ bắt đầu cai sữa khi con được 6 tháng. Tuy nhiên, điều quan trọng là đảm bảo con đã sẵn sàng bằng cách quan sát một số dấu hiệu nhất định.
Dấu hiệu nhận biết con đã sẵn sàng ăn dặm gồm:
- Con có thể tự ngẩng đầu mà không cần trợ giúp;
- Việc tập ngồi bước đầu của con diễn ra khá suôn sẻ;
- Con để ý đồ mà mọi người ăn;
- Con không nhè thức ăn khi được đút;
- Con đã có sự phối hợp tay và mắt.
Khi lần đầu tiên cho bé ăn dặm, cha mẹ chỉ cần bón một lượng nhỏ đồ đã xay nhuyễn, lượng vào khoảng 2-3 thìa cà phê, sau đó tăng dần lượng. Khi con rướn người về phía trước để ngậm thìa, điều này thường có nghĩa "Vâng, con muốn ăn thêm nữa". Trong khi đó, quay đầu chỗ khác hoặc dễ bị phân tâm khỏi việc ăn là tín hiệu “Giờ con đã no rồi”. Sau khoảng 15-20 phút, mẹ có thể cho con bú hoặc dặm thêm sữa để đảm bảo con đã thực sự no.

Từ khi tròn 1 tuổi, nên để con ngồi ăn cùng giờ với gia đình - tức là chia 3 bữa sáng, trưa và tối. Tuy nhiên, vì trẻ nhỏ cần nhiều năng lượng để phát triển nên hãy cho con ăn thêm bữa phụ vào sáng muộn và xế chiều. Thời gian biểu này là hợp lý bởi trẻ cũng thường bắt đầu thấy đói sau khi ăn được 3 tiếng.
Lời khuyên khi cho trẻ ăn dặm
Sau khi cho con làm quen với các loại rau hoặc trái cây nghiền nhuyễn, cha mẹ nên bổ sung thêm rau, khoai tây và thịt hoặc cá vào hỗn hợp nghiền này. Đây được coi là thực phẩm ăn dặm đầu tiên, cung cấp lượng sắt và kẽm tốt. Khoảng một tháng sau đó, mẹ có thể thêm sữa và ngũ cốc xay nhuyễn hoặc ngũ cốc và trái cây xay nhuyễn.
Trẻ được khuyến nghị nên ăn: Rau và trái cây nấu chín, xay nhuyễn, khoai tây (nấu/hấp), thịt nấu chín kỹ rồi xé nhỏ để dễ nuốt, cá nấu chín/hấp (cá hồi, cá thu) đã được loại bỏ xương; cơm, ngũ cốc xay dạng dẹt hoặc bột, mỳ ống, sữa dùng để trộn thức ăn.

Trẻ sơ sinh không nên ăn: Muối, thực phẩm có đường như đường, mật ong, chất tạo ngọt (đặc biệt trong đồ uống), thức ăn cay, hương liệu nhân tạo. Các thực phẩm sống như trứng (trứng trần, tiramisu), thịt (thịt bò nướng, bít tết tái), cá (sushi, cá hồi hun khói) cũng nên tránh.
Ngoài ra, trẻ cũng không nên sử dụng sữa chưa tiệt trùng và các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng, sữa tươi, sữa chua trái cây, xúc xích và các dạng giăm bông hay thịt xông khói. Các đồ ăn nhẹ/bánh quy mặn, kẹo, chocolate, đồ uống đóng chai như soda, cà phê, trà xanh và đen, rượu (bao gồm dùng trong nấu ăn); cá ngừ, cá kiếm, cá bơn và cá pike (những loại cá săn mồi lớn, nhiều dầu có thể nhiễm kim loại nặng) cũng nên tránh trong khẩu phần ăn của trẻ.
Những lưu ý khác khi lập kế hoạch ăn dặm cho trẻ
Ngoài lựa chọn thực phẩm kỹ lưỡng, mẹ cũng cần cân nhắc những điểm sau khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm:
Nếu trẻ đang bú mẹ và ăn thức ăn nấu tại nhà, nên bổ sung thêm iốt (trước đó nên thảo luận vấn đề này với bác sĩ);
Thực phẩm có nguy cơ dị ứng nên được đưa vào nhóm cảnh báo;
Đưa cá vào khẩu phần ăn từ sớm có thể làm giảm nguy cơ dị ứng ở trẻ;
Chế độ ăn dặm thuần chay không được khuyến khích, hoặc bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.
Theo mamababy.com