
Mang thai là hành trình diệu kỳ nhưng cũng đầy thử thách với các chị em. Một trong những vấn đề phổ biến, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt mà mẹ bầu thường gặp là tình trạng phù chân. Tôi cũng không ngoại lệ.
Mẹ Tú Linh
Khi mang bầu bé thứ hai và thai kỳ bước vào tháng thứ 7, tôi bắt đầu cảm nhận những cơn sưng tấy khó chịu ở hai bàn chân, đặc biệt vào buổi tối. Ban đầu, tôi nghĩ đó là hiện tượng bình thường do thai lớn dần, cơ chân phải nâng đỡ cơ thể gây sưng đau. Tuy nhiên, tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng khiến tôi gặp khó khăn trong việc di chuyển và sinh hoạt. Có những đêm tôi thức trắng, một phần vì cơn đau chân, một phần vì bầu lớn chèn ép bàng quang gây tiểu rắt.
Lo lắng cho sức khỏe của bản thân và con, tôi quyết định tìm đến bác sĩ để được tư vấn. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị phù chân do tích tụ nước và khuyến khích áp dụng một số biện pháp để cải thiện tình trạng này. Sau khi thực hành và cảm thấy tình trạng sức khỏe cải thiện đáng kể, tôi muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân để giúp các mẹ bầu giảm thiểu tình trạng phù chân, an tâm tận hưởng niềm hạnh phúc mang thai.
Uống đủ nước
Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng tôi nhận thấy uống đủ nước (khoảng 2 lít mỗi ngày) thực sự giúp giảm phù chân. Nước giúp thanh lọc cơ thể, loại bỏ độc tố và dư thừa nước, từ đó giảm bớt áp lực lên các chi dưới. Điều này không chỉ giúp giảm phù chân mà còn hỗ trợ sức khỏe tổng thể của mẹ và em bé trong bụng.

Tập thể dục thường xuyên và massage
Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, yoga giúp tăng cường lưu thông máu, giảm tích tụ nước ở chân. Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý lựa chọn bài tập phù hợp với sức khỏe và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập.
Tương tự, việc xoa bóp nhẹ nhàng chân và mắt cá chân có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm căng thẳng và phù chân. Bên cạnh tự xoa bóp, tôi cũng thường nhờ chồng giúp đỡ. Thao tác xoa bóp cần theo hướng từ dưới lên trên để hỗ trợ tuần hoàn tốt nhất.
Thay đổi tư thế và kê cao chân khi ngủ, nghỉ
Khi mang thai, việc đứng hoặc ngồi trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ phù chân. Nếu công việc của các mẹ yêu cầu phải đứng nhiều thì có thể áp dụng cách “đặt báo thức” khoảng 30 phút/lần để thay đổi tư thế từ đứng sang ngồi hoặc ngược lại.
Ngoài thường xuyên vận động, di chuyển nhẹ nhàng, việc kê cao chân cũng giúp máu lưu thông tốt hơn. Khi nghỉ ngơi hoặc ngủ, bạn có thể kê chân lên gối hoặc một chiếc chăn mềm để nâng cao chân. Điều này giúp giảm áp lực lên tĩnh mạch và cải thiện tuần hoàn máu, giảm bớt triệu chứng phù chân.

Hạn chế ăn muốn và tránh caffeine
Theo khuyến cáo của bác sĩ, muối có thể gây giữ nước trong cơ thể, làm tình trạng phù chân trở nên nghiêm trọng hơn. Theo đó, mẹ bầu cần tránh xa thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và giảm lượng muối trong các bữa ăn hàng ngày.
Một điểm mà ít người quan tâm đó là caffeine có thể làm tăng nguy cơ phù chân vì nó có tác dụng lợi tiểu, làm cơ thể mất nước. Sau khi được nhắc nhở, tôi cũng hạn chế uống cà phê, trà và các loại đồ uống chứa caffeine khác để bảo vệ sức khỏe.
Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc giúp cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn và cải thiện lưu thông máu. Theo đó, bác sĩ yêu cầu ngủ nghiêng về bên trái giúp tăng lưu lượng máu đến tim, giảm áp lực lên tĩnh mạch lớn và giúp giảm phù chân. Đây là tư thế ngủ được khuyến khích cho phụ nữ mang thai vì giúp cung cấp máu và dưỡng chất tốt hơn cho thai nhi.
Tôi nghĩ phù chân khi mang thai là vấn đề phổ biến nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu áp dụng những biện pháp phù hợp. Những biện pháp đơn giản này không chỉ giúp mẹ bầu giảm chứng phù chân, mà còn góp phần mang đến thai kỳ khỏe mạnh và thoải mái hơn. Hy vọng những chia sẻ của tôi sẽ giúp ích cho các mẹ bầu trong hành trình mang thai khỏe mạnh và hạnh phúc.