
Hàng tá lời khuyên từ nhiều nguồn khiến không ít bậc ba mẹ băn khoăn khi nào và làm thế nào để cho trẻ bắt đầu ăn dặm.
Ngọc Linh
Trong những tháng đầu đời, trẻ phát triển nhờ nguồn dinh dưỡng duy nhất là sữa (sữa mẹ/sữa ngoài). Khi lớn hơn và cần nhiều năng lượng hơn cho quá trình phát triển, trẻ cần được đa dạng nguồn dưỡng chất bên cạnh sữa. Đó cũng là lúc ba mẹ nên tập cho con ăn dặm, cũng như làm quen với các loại thức ăn dạng đặc.
Nếu cho ăn dặm quá sớm khi hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, bé sẽ khó tiêu hóa thực phẩm dạng đặc. Còn nếu ăn dặm muộn, cơ thể bé sẽ không đầy đủ dưỡng chất để phát triển nếu chỉ dựa vào sữa.
Thông thường, các bố mẹ bỉm sữa nên bắt đầu cho con tập ăn dặm khi bé được khoảng hơn 6 tháng tuổi. Ở thời điểm này, hệ tiêu hóa của bé đã phát triển hợp lý để có thể tập quen dần với nhiều loại thực phẩm.

Ba mẹ có thể chú ý 3 đặc điểm sau cho thấy bé đã sẵn sàng cho quá trình ăn dặm:
- Bé có thể giữ tư thế ngồi vững, thẳng đầu không nghiêng ngã;
- Bé nhận biết dấu hiệu của thức ăn và có thể cầm, nhặt lên cho vào miệng;
- Lưỡi của bé không còn phản xạ đẩy vật lạ ra ngoài một cách tự động mà thay vào đó bé biết nuốt thức ăn.
Các dấu hiệu trên cho thấy bé có đủ khả năng để học cách tự cầm nắm thức ăn và nuốt - bước đầu tiên trong quá trình tập ăn dặm cho trẻ. Nếu con sinh thiếu tháng hoặc sức khỏe yếu, ba mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi bắt đầu chuyển sang cho con ăn dặm để lựa chọn thời điểm thích hợp.
Thông thường, lượng thức ăn bé có thể tiêu thụ trong một lần khá khác nhau và phụ thuộc vào khả năng của từng bé. Ba mẹ không nên ép con ăn thêm nếu bé không muốn.
Có thể phải mất hơn 10 lần thử để bé làm quen với các loại thực phẩm, hương vị và kết cấu thức ăn mới mẻ không phải sữa mẹ. Ở những bữa ăn dặm đầu tiên, bé có thể ăn không nhiều lắm nhưng ba mẹ không cần lo lắng vì điều đó.

Trong quá trình tập ăn, bé có thể thích hoặc không thích một loại thức ăn nào đó, biểu hiện ở việc bé ngoảnh đi hoặc nhè đồ ăn ra. Ba mẹ nên thay đổi đa dạng thực đơn để biết bé thích ăn gì, từ đó kích thích vị giác để bé ăn nhiều, ăn ngon hơn cho lần sau.
Một bữa ăn dặm cho trẻ nên đầy đủ các nhóm chất, tăng dần độ thô của thức ăn để bé quen dần và học cách nhai nuốt. Đồng thời, song song với ăn dặm, mẹ nên tiếp tục cho bé bú sữa xen kẽ vào các bữa ăn, giảm dần tần suất cho bú và tăng bữa ăn dặm theo thời gian để đảm bảo bé vẫn đầy đủ dưỡng chất trong quá trình này.
Tập cho con ăn dặm, ba mẹ cũng nên chuẩn bị một bộ “đồ nghề” cho bé, bao gồm ghế ăn dặm, muỗng, bát nhựa, yếm và thảm trải để tránh vương vãi thức ăn ra ngoài… Ba mẹ có thể chia lượng thức ăn vào những khay đá nhỏ để vừa vặn với sức ăn của con và dễ bảo quản thực phẩm hơn.
Theo nhs.uk