
Chanh không chỉ là một loại gia vị quen thuộc trong nhà bếp, mà còn là "vị cứu tinh" cho nhiều mẹ bầu đang đối mặt tình trạng ốm nghén nhờ khả năng giảm cảm giác buồn nôn.
Minh Tú
Với hương vị tươi mát và giàu vitamin C, chanh là một lựa chọn tuyệt vời cho mẹ bầu. Không chỉ giúp giảm thiểu cảm giác buồn nôn, chanh còn hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho tiêu hóa và góp phần vào sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, mẹ bầu nên sử dụng chanh một cách khoa học.
Giảm buồn nôn
Nhiều phụ nữ mang thai chọn sử dụng các loại thảo dược để kiểm soát triệu chứng buồn nôn do lo ngại về tính an toàn của thuốc. Tinh dầu chanh là một trong những phương pháp phổ biến để giảm buồn nôn an toàn trong thai kỳ. Song, mẹ bầu không nên uống trực tiếp tinh dầu chanh, mà nên sử dụng qua liệu pháp xông hương thơm.

Mặc dù có một số nghiên cứu nói về tác dụng phụ khi sử dụng chanh hoặc các loại thảo dược khác như gừng, mận, tinh dầu mù tạt... nhưng không có biến chứng nghiêm trọng nào được ghi nhận từ việc sử dụng chanh trong thai kỳ.
Cung cấp nước và vitamin C dồi dào
Các bác sĩ thường khuyến cáo phụ nữ mang thai và cho con bú nên tăng lượng calo hàng ngày thêm 300 calo trong tam cá nguyệt thứ 2, đồng thời bổ sung 300 ml nước mỗi ngày.
Nếu yêu thích hương vị của chanh, điều này có thể tạo động lực giúp mẹ bầu uống nhiều nước hơn và luôn duy trì một cơ thể đủ nước. Việc cung cấp đủ nước không chỉ giúp mẹ bầu cảm thấy sảng khoái, mà còn ngăn ngừa tình trạng mất nước, táo bón và các vấn đề về tiêu hóa thường gặp trong thai kỳ khác.

Bên cạnh đó, chanh còn là một nguồn cung cấp vitamin C dồi dào. Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch, đặc biệt trong những tháng đầu thai kỳ, khi hệ miễn dịch của người mẹ thường suy giảm.
Cung cấp folate
Chanh cung cấp folate - một chất dinh dưỡng quan trọng trong thai kỳ. Một quả chanh cỡ vừa chứa ít calo và khoảng 6,38 microgam (mcg) folate. Trong thai kỳ, phụ nữ cần nhiều folate hơn vì chất này đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi.
Tuy nhiên, các mẹ không nên chỉ dựa vào chanh để cung cấp folate, vì lượng folate trong chanh không đủ cao. Ngoài ra, không phải ai cũng thích ăn chanh. Một số thực phẩm khác chứa nhiều folate mà mẹ bầu có thể tham khảo gồm cải bó xôi, ngũ cốc, bơ, mầm lúa mì và bánh mì trắng.
Một số rủi ro nếu sử dụng quá nhiều chanh trong thai kỳ
Mặc dù chanh an toàn trong thai kỳ, nhưng việc sử dụng quá nhiều có thể gây ra một số rủi ro:
- Ảnh hưởng men răng: Việc sử dụng quá nhiều trái cây họ cam, quýt có thể gây hại cho men răng. Đặc biệt, phụ nữ mang thai dễ gặp các vấn đề về răng miệng. Men răng có thể bị tổn thương do axit citric trong chanh cao.

- Hàm lượng đường trong nước chanh: Một số người không thích vị chua của nước chanh tươi mà thay vào đó chọn nước chanh có đường. Tuy nhiên, nước chanh đóng chai thường chứa lượng đường cao để cải thiện hương vị. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị người dùng nên hạn chế lượng đường tiêu thụ dưới 10% tổng lượng calo hàng ngày.
- Ợ chua: Một số phụ nữ mang thai có thể bị ợ chua thường xuyên. Hàm lượng axit citric cao trong chanh có thể khiến triệu chứng này trầm trọng hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp vấn đề này. Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai nên ghi chú các loại thực phẩm gây ợ chua và tránh sử dụng để giảm cảm giác khó chịu.
Chanh mang lại nhiều lợi ích, nhưng để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi có ý định sử dụng chanh thường xuyên.
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, bên cạnh việc sử dụng chanh, các mẹ nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng, giàu dinh dưỡng, kết hợp vận động nhẹ nhàng và nghỉ ngơi hợp lý.
Theo MedicalNewsToday