
Ngồi trước vô số món ngon hấp dẫn, mẹ bầu nên chú ý các món có hàm lượng tinh bột, đường cao để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và bé yêu.
Ngọc Bùi
Khi mẹ bầu mang thai, nhau thai tạo ra các loại nội tiết tố giúp bé phát triển. Những nội tiết tố này vô tình gây ra một số tác động xấu đến insulin, dẫn đến tình trạng rối loạn nội tiết tố khiến nhiều mẹ bầu mắc chứng tiểu đường thai kỳ. Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), tại Việt Nam năm 2021 trung bình cứ 7 phụ nữ mang thai có một mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ.
Tết là thời điểm của những bàn tiệc sum vầy rộn ràng, các mẹ cũng vô thức tiêu thụ thực phẩm nhiều hơn ngày thường. Tuy nhiên, có nhiều món ăn đặc trưng trong ngày Tết có thể khiến tình trạng tiểu đường thai kỳ của các “đồng bầu” nghiêm trọng hơn.
Trong đó, thực phẩm có GI cao (>70) sẽ khiến đường huyết tăng nhanh và dễ gây tình trạng tiểu đường thai kỳ nếu mẹ bầu thường xuyên tiêu thụ. Các món ăn cần hạn chế có thể kể đến như xôi nếp, thịt kho, bánh chưng… hoặc món ăn chứa nhiều tinh bột như miến xào, khoai tây chiên… Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng nên hạn chế chất béo trong các món chiên dầu mỡ như chả giò, bánh phồng tôm. Đặc biệt, rượu bia, kem và nước ngọt cũng là các sản phẩm mà mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên hạn chế tiêu thụ.

Để cân bằng dinh dưỡng, các mẹ nên phối hợp đa dạng nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn, đầy đủ chất dinh dưỡng như đạm, chất xơ, đường tự nhiên từ rau củ quả. Nếu quá thèm ngọt, chị em có thể đan xen một số loại trái cây có vị ngọt tự nhiên trong các bữa phụ, đồng thời tránh những loại thực phẩm chế biến sẵn có thành phần chứa nhiều đường tổng hợp hay đường hóa học vì đây là nguồn gây tăng đường huyết nhanh.
Các mom cũng nên bổ sung thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, giàu chất xơ và vitamin để no lâu, giúp kiểm soát tiểu đường hiệu quả hơn. Một số thực phẩm được gợi ý là rau củ xanh, trái cây tươi ít ngọt như bưởi, dưa hấu, táo, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt hoặc chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua không đường… Tuy nhiên, những loại thực phẩm này cũng không nên ăn số lượng lớn cùng lúc, thay vào đó cần chia nhỏ thành nhiều bữa, ăn cách nhau 2-3 tiếng để điều tiết lượng dinh dưỡng hấp thụ vào cơ thể.
Để thêm yên tâm, các mẹ có thể tự đo đường huyết tại nhà sau ăn 1-2 tiếng để nắm rõ được chỉ số đường huyết của cơ thể trong từng giai đoạn, kịp thời điều chỉnh nếu có sự tăng giảm bất thường.