
Sưng nướu và chảy máu chân răng là tình trạng thường gặp ở thai phụ. Đâu là nguyên nhân và cách ngăn ngừa?
Ngọc Bùi
Bên cạnh ốm nghén, sưng chân hay mất ngủ, chảy máu chân răng cũng là một trong những triệu chứng thường gặp ở mẹ bầu. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), mang thai làm tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu. Trong đó, có khoảng 60-75% phụ nữ mang thai bị viêm nướu - một dạng bệnh nha chu giai đoạn đầu, biểu hiện ở tình trạng viêm nướu gây đỏ, sưng, đau hoặc chảy máu chân răng.
Có nhiều lý do khiến mẹ bầu tăng nguy cơ chảy máu chân răng hơn người bình thường, trong đó sự thay đổi nội tiết tố - đặc biệt là estrogen và progesterone - chiếm phần lớn nguyên nhân. Bác sĩ Nha khoa Joseph Dill - giám đốc Hiệp hội Kế hoạch Nha khoa Delta - cho biết sự tăng nhanh của các hormone này có liên quan đến tình trạng tăng mảng bám răng. Mảng bám có thể cứng lại, sinh sản vi khuẩ và gây viêm mô nướu.

Sự thay đổi của chế độ dinh dưỡng khi mẹ bầu thèm ngọt nhiều hơn hoặc tình trạng ốm nghén trong quá trình mang thai cũng tạo cơ hội cho vi khuẩn bám vào các kẽ răng. Ngoài ra, khi mang bầu, cơ thể của người mẹ tiết ít nước bọt hơn. Đó cũng là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây ra vấn đề về răng miệng.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sức khỏe răng miệng cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Giáo sư Leena Palomo, Chủ tịch Khoa Nha chu & Nha khoa cấy ghép Ashman tại Đại học Nha khoa NYU cho biết: “Sức khỏe nha chu có liên quan đến sức khỏe tổng thể, đặc biệt đối với người mang thai”. Nếu không được điều trị, tình trạng nha chu có thể dẫn đến các vấn đề răng miệng nghiêm trọng hơn, ví dụ như tiêu xương hay nhiễm trùng. Các nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ giữa bệnh nha chu nặng và những tình trạng thai nhi tiêu cực như nhẹ cân hay sinh non.
Nếu bị chảy máu nướu răng hoặc các triệu chứng khác của viêm nha chu, mẹ bầu nên sớm đến gặp nha sĩ để được thăm khám và tư vấn chăm sóc răng miệng đúng cách. Các bác sĩ sẽ làm sạch để loại bỏ mảng bám, cao răng và các vi khuẩn có hại. Đôi khi, mẹ bầu có thể cần cạo vôi răng hay nạo túi lợi để điều trị tình trạng viêm nha chu.
Bên cạnh đó, trong cuộc sống hàng ngày, mẹ bầu có thể bảo vệ sức khỏe răng miệng bằng cách đánh răng đều đặn bằng kem đánh răng có chứa fluoride, chú ý làm sạch kỹ vị trí tiếp giao giữa chân răng và nướu. Bạn nên chọn bàn chải đánh răng có lông mềm để tránh cọ xát, tổn thương vùng nướu nhạy cảm, và sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch vi khuẩn có hại giữa răng và dưới đường viền nướu, nơi bàn chải đánh răng không thể chạm tới. Hạn chế thuốc lá và đồ chứa nhiều đường cũng giúp hạn chế mảng bám vi khuẩn. Ngoài ra, nếu thường ốm nghén, bạn nên súc miệng sạch sau mỗi lần nôn ói để hạn chế axit từ dạ dày ảnh hưởng đến chân răng.
Theo Parents