
Tiểu đường thai kỳ là một trong những bệnh lý dễ mắc ở bà bầu. Phát hiện sớm và quản lý tốt tiểu đường thai kỳ giúp tăng khả năng bảo vệ sức khỏe mẹ và thai nhi.
Hồng Nhung
Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý bà bầu cần cẩn trọng. Dấu hiệu nhận biết tiểu đường thai kỳ là dựa vào là nghiệm pháp dung nạp đường huyết ở giai đoạn 24-28 tuần tuổi thai. Bệnh diễn biến một cách thầm lặng, nếu không điều trị đúng và theo dõi kỹ càng có thể gây ra những biến chứng cho cả mẹ và thai nhi. Nặng nhất có thể gây thai lưu, với mẹ là hôn mê do đái tháo đường. Bệnh có thể diễn ra rất êm đềm và không gây biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện kịp thời, tuân thủ điều trị. Tuy nhiên, nếu chủ quan không theo dõi, tiểu đường thai kỳ có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm.
Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ cần được khám thai định kỳ để được kiểm soát bệnh và được tư vấn của bác sĩ sản phụ khoa, hay bác sĩ nội tiết tùy từng giai đoạn và mức độ bệnh. Đồng thời, mẹ bầu cần có theo dõi chế độ ăn, đường huyết sau ăn nghiêm ngặt hàng ngày.
Về ăn uống, bà bầu cần lưu ý không nên ăn các loại thực phẩm nhiều đường. Lượng đường trong máu tăng lên khi chúng ta ăn thực phẩm có đường, đặc biệt là những loại được tinh chế và chế biến. Bà bầu mắc bệnh tiểu đường thai kỳ nên tránh hoặc hạn chế tối thiểu thực phẩm có đường, càng nhiều càng tốt.
Thực phẩm có nhiều đường cần tránh bao gồm: Các loại bánh kẹo ngọt, nước ngọt, nước ép trái cây có thêm đường, thực phẩm nướng như bánh xốp nướng, bánh rán hoặc bánh ngọt.

Thực phẩm chứa nhiều tinh bột như bánh mì trắng, cơm trắng, mì trắng, phở, bún... cũng cần chú ý, Ngoài ra, bà bầu bị tiểu đường thai kỳ cũng không nên ăn quá nhiều trong mỗi bữa ăn. Hãy chia khẩu phần ăn thành 4 phần trong đó 1 phần tinh bột, 1 phần đạm, 2 phần rau củ. Lượng tinh bột cho mỗi phần khoảng 1/2 chén đến 2/3 chén cơm.
Về điều trị, bà bầu cần đi khám để có chỉ định phù hợp tùy theo từng giai đoạn của bệnh. Bà bầu cần duy trì lối sống khoa học, tập luyện thể dục, thể thao, duy trì tinh thần thoải mái, tránh lo lắng thái quá.