
Các mẹ bầu vẫn có thể thư giãn, chăm sóc bản thân với những liệu trình spa phù hợp trong suốt chu kỳ thai.
Hồng Nhung
Chân sưng phù, đau mỏi thắt lưng, làn da khô, ngứa ngáy... là những vấn đề mẹ bầu thường gặp phải khi mang thai. Khi chưa mang trong mình sinh linh bé bỏng, việc đi spa có thể giúp phụ nữ được thả lỏng, thư giãn và chăm sóc cơ thể toàn diện. Song, khi bắt đầu mang thai, việc đi spa cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tốt cho mẹ, khỏe cho bé.
Bác sĩ sản phụ khoa Sara Twogood, ĐH Nam California, cho biết: “Việc đi spa là an toàn với các bà bầu vì đây là cách tốt giúp giảm căng thẳng cũng như những vấn đề khó chịu của cơ thể. Tuy nhiên, các mẹ bầu cần được tư vấn bác sĩ và có đầy đủ kiến thức trước khi thực hiện bất kỳ liệu pháp spa nào”.

Khi bác sĩ đã xác nhận các mẹ bầu có thể đi spa, bạn hãy dành cho mình khoảng thời gian “me-time” thật chất lượng. Nhiều chuyên gia trị liệu nhận định đây sẽ là lúc các mẹ bầu có toàn thời gian để chăm sóc bản thân, trước khi bước vào “cuộc chiến” với tã, sữa và những tiếng khóc.
Vậy đâu sẽ là những liệu pháp phù hợp, giúp mẹ bầu thư giãn, chăm sóc cơ thể, hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Xông hơi
Các bác sĩ và chuyên gia đều thống nhất rằng biện pháp xông hơi và những phương pháp trị liệu bằng nhiệt khác như bồn tắm nước nóng, phòng xông hơi ướt... đều không phù hợp với phụ nữ mang thai.
Theo đó, việc tắm hơi khi mang thai hoặc các phương pháp điều trị bằng nhiệt khác có thể làm nhiệt độ cơ thể tăng quá cao và điều này có thể ảnh hưởng không tốt đến em bé. Trên thực tế, việc tăng nhiệt độ cơ thể lên hơn 39-40 độ C hoặc cao hơn có thể gây nguy cơ dị tật não và tủy sống ở thai nhi.
Tẩy tế bào chết toàn thân
Đây là liệu pháp tốt giúp kích thích tuần hoàn máu khắp cơ thể. Khi mang thai, việc duy trì dòng oxy và chất dinh dưỡng ổn định khắp cơ thể là chìa khóa để hỗ trợ sức khỏe của mẹ và em bé. Bên cạnh đó, sự kích thích nhẹ nhàng thậm chí có thể giúp sản xuất nhiều collagen, tạo sự đàn hồi trên da, giúp ngăn ngừa các vết rạn da.
Điều mẹ bầu cần lưu ý khi sử dụng liệu pháp này là chọn sản phẩm tẩy tế bào chết có thành phần nhẹ nhàng, dưỡng ẩm nhiều hơn, đơn cử như tẩy tế bào chết bằng đường thay vì muối vì da bạn trong thời kỳ mang thai rất nhạy cảm. Ngoài ra, việc sử dụng tinh dầu cũng cần được chú ý cẩn trọng khi nhiều loại tinh dầu nguyên chất như xô thơm, ngải giấm, cây lộc đề, hương thảo và đặc biệt là ngải cứu tuy có tác dụng giải độc nhưng cũng có thể góp phần gây sẩy thai khi bôi trực tiếp lên cơ thể.

Massage
Các chuyên gia y tế và bác sĩ cho rằng liệu pháp massage - khi thực hiện đúng cách - là an toàn trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Nếu bạn đang ở trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba, việc massage có thể làm tăng tuần hoàn cho bạn và em bé, giảm sưng tấy ở chân, bàn chân, giảm đau lưng, đau đầu, cải thiện tiêu hóa và thậm chí cải thiện tâm trạng.
Để an toàn, bạn hãy chọn một liệu pháp massage được thiết kế dành riêng cho các bà mẹ sắp sinh, với chuyên viên trị liệu được cấp phép và có kinh nghiệm massage cho mẹ bầu. Massage trước khi sinh thường được thực hiện khi người phụ nữ nằm nghiêng bên trái hoặc nằm ngửa. Những tư thế này giúp tối ưu hóa lưu lượng máu quay trở lại tử cung và nhau thai.

Tương tự như tẩy tế bào chết toàn thân, khi massage, mẹ bầu cũng cần lưu ý sử dụng dầu không mùi trên da. Một điểm quan trọng cần lưu ý tiếp theo là tránh xoa bóp và bấm huyệt trên bàn tay và bàn chân, đây là những vùng khi thao tác có thể kích thích các cơn co thắt.
Những mẹ bầu có nguy cơ cao tăng huyết áp, tiền sản giật hoặc một số tình trạng khác cần đảm bảo tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa trước khi đặt lịch hẹn massage.
Điều trị da mặt
Nhìn chung, việc chăm sóc da mặt khi đang mang thai là an toàn - miễn là các mẹ bầu tránh những phương pháp điều trị khắc nghiệt như: Mài da vi điểm, lột mặt nạ bằng hóa chất... Các sản phẩm tẩy tế bào chết nhẹ nhàng, mặt nạ dưỡng ẩm sâu (như bơ hoặc sữa chua) là một lựa chọn an toàn và nhẹ nhàng. Việc chăm sóc da mặt dịu nhẹ và dưỡng ẩm có thể là giải pháp hữu hiệu cho các vấn đề phổ biến khi mang thai như mụn trứng cá, khô và mẩn đỏ.
Trong quá trình trị liệu da mặt, các mẹ bầu cần kiểm tra kỹ các sản phẩm được sử dụng trong liệu pháp có chứa độc tố và an toàn cho bạn và em bé hay không. Axit beta hydroxy (BHA), chẳng hạn như axit salicylic, là một thành phần mà liều cao ở dạng uống đã được chứng minh là có hại cho em bé, vì vậy các bác sĩ khuyên mẹ bầu nên tránh trị liệu bằng sản phẩm có chứa BHA.
Chăm sóc móng tay, móng chân
Các mẹ bầu có thể làm nail trong thời gian mang thai, nhưng cần đi kèm những lưu ý đảm bảo an toàn. Theo đó, miễn là việc làm nail không đòi hỏi phải xoa bóp bàn chân và bàn tay (có thể gây chuyển dạ) và được thực hiện trong tiệm vệ sinh, thì đây là cách an toàn và thú vị để nuông chiều bản thân.
Không có bằng chứng nào cho thấy acrylic gây hại cho em bé, nhưng các mẹ bầu nên thận trọng và bỏ qua sản phẩm chứa chất này đến sau khi sinh, vì chúng có thành phần hóa chất khắc nghiệt như nhựa và formaldehyde đã được chứng minh là gây ung thư nếu tiếp xúc lâu dài. Loại sơn móng tay an toàn nhất để làm móng tay và móng chân khi đang mang thai là những nhãn hiệu không chứa dibutyl phthalate, toluene và formaldehyde.

Triệt lông
Thời điểm mang thai là lúc mà tóc và lông mọc dày hơn do hormone. May mắn khi tẩy lông là giải pháp an toàn khi mang thai. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh giải pháp tẩy lông bằng laser không nên thực hiện cho đến khi bạn sinh em bé.
Các mẹ bầu có thể thông báo với chuyên gia tại spa để họ lựa chọn các sản phẩm phù hợp, giúp quá trình tẩy lông trở nên nhẹ nhàng hơn. Các mẹ bầu cũng có thể dưỡng ẩm thật kỹ cho da và chuẩn bị sẵn một số phương thức làm dịu da sau tẩy lông, chẳng hạn như chườm lạnh đơn giản, gel lô hội hoặc dầu dừa nguyên chất, có thể làm dịu vết đỏ và viêm.
Việc tẩy lông có thể không quá cần thiết trong quá trình mang thai, tuy nhiên, cảm giác mịn màng, sạch sẽ có thể giúp các mẹ bầu cải thiện tâm trạng và dễ dàng chăm sóc làn da hơn.
Theo Thebump