
Dù mang thai hay không, bạn luôn cần nước để giữ sức khỏe. Cơ thể và các cơ quan quan trọng của bạn phải có nước để hoạt động bình thường.
Thu Trang
Khi mang thai, cơ thể bạn cần nhiều nước hơn để đáp ứng nhu cầu thay đổi của cơ thể. Không uống đủ nước có thể gây mất nước, từ đó gây ra các triệu chứng khác như đau đầu, buồn nôn, chuột rút, phù nề và chóng mặt.
Đặc biệt, bạn phải bổ sung đủ nước 3 tháng cuối, bởi tình trạng mất nước có thể gây ra các cơn co thắt, dễ gây chuyển dạ sinh non.
Một số phụ nữ nhận thấy uống nước thường xuyên giúp giảm các triệu chứng ốm nghén, ợ chua và khó tiêu. Nước cũng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tiết niệu - tình trạng thường gặp khi mang thai. Nước uống làm loãng nước tiểu, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, giảm táo bón, bệnh trĩ. Ngoài ra, nước giúp duy trì nhiệt độ cho cơ thể, đặc biệt là trong những tháng nóng ẩm.
Nên uống bao nhiêu nước khi mang thai?
Bạn nên uống khoảng 3 lít (8 đến 12 ly) chất lỏng mỗi ngày. Hãy uống nước suốt cả ngày thay vì uống nhiều cùng một lúc. Mỗi ngụm nước nước đều giúp đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.
Cứ sau mỗi giờ tập thể dục nhẹ, hãy uống thêm một cốc nước. Vào mùa hè, bạn sẽ cần uống nhiều hơn để bù đắp lượng nước bị mất do đổ mồ hôi. Đừng ngần ngại uống nước và các chất lỏng khác nếu bạn sợ cơ thể bị tích nước. Bởi cơ thể bạn sẽ tích trữ nhiều chất lỏng hơn nếu cảm thấy đang bị mất nước.

Cách tốt nhất để biết bạn có bị mất nước hay không là kiểm tra màu nước tiểu. Khi cơ thể được cung cấp đủ nước, nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc không màu, còn màu sậm hơn là dấu hiệu cho thấy bạn cần uống nhiều nước hơn. Nếu bạn liên tục bị choáng váng, đi tiểu ít dù đã uống nước, bạn nên gọi bác sĩ.
Làm cách nào để đảm bảo luôn đủ nước?
Nếu bạn không thích uống nước lọc, hãy thử thêm một lát chanh vào cốc nước. Bạn cũng có thể thêm một nhánh bạc hà đã rửa sạch hoặc một ít nước trái cây để tăng thêm hương vị. Đây là sự thay đổi cần thiết, đặc biệt nếu bạn đang cảm thấy buồn nôn. Thêm rau mùi tươi, gừng nghiền, hạt thì là hoặc vỏ bạch đậu khấu cũng tạo nên một sự thay đổi thú vị.
Bạn cũng có thể làm cho ly nước thông thường trở nên sảng khoái hơn bằng cách thêm trái cây đông lạnh như cam, chanh, kiwi, mơ và mận, táo thay thế đá lạnh. Trái cây đông lạnh trông đầy màu sắc nổi trong làn nước trong vắt vừa làm lạnh đồ uống của bạn, vừa mang lại hương vị trái cây thơm ngon.
Lượng chất lỏng khuyến nghị của bạn bao gồm nước uống và đồ uống khác. Ngoài ra, cơ thể bạn cũng có thể được cung cấp nước từ thực phẩm ăn hàng ngày. Nhưng bạn cần phải lựa chọn đúng đắn vì một số thực phẩm và đồ uống đều có nhược điểm. Một vài lựa chọn thay thế tốt bao gồm:
Đồ uống không chứa caffein: Hãy thử nước dừa, nước chanh tươi, hay tự làm một số đồ uống giải nhiệt nổi tiếng của Ấn Độ như jal jeera, aam panna hoặc sattu. Những món giải khát này rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe và mang đến cảm giác sảng khoái.
Nước trái cây tươi: Đây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất rất tốt cho em bé đang lớn dần trong bụng. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng chúng cũng chứa nhiều đường và axit nên có thể ảnh hưởng đến men răng. Nếu có thể, hãy dùng chúng trong bữa ăn và pha loãng với nước. Bạn nên tránh nước trái cây đóng hộp vì chúng thường chứa ít vitamin và nhiều đường.

Sữa và đồ uống có nguồn gốc từ sữa: Sữa cung cấp canxi, iốt và vitamin B5, tất cả đều quan trọng cho sức khỏe của bạn và bé.
Sinh tố: Đồ uống này mang hương vị thơm ngon hòa quyện của sữa và trái cây. Sinh tố làm từ rau quả là cách tuyệt vời để nạp nhiều vitamin và khoáng chất, vì chúng thường chứa ít đường và calo hơn so với đồ uống làm hoàn toàn từ trái cây.
Thực phẩm có hàm lượng nước cao: Một cách tốt khác để tăng lượng chất lỏng nạp vào cơ thể là ăn thực phẩm chứa nhiều nước, chẳng hạn như soup, salad, trái cây và sữa chua. Dưa hấu, dưa chuột, rau xà lách và cần tây có hàm lượng nước rất cao.
Đồ uống nào nên tránh khi mang thai?
Trà và cà phê: Mặc dù trà hoặc cà phê được tính là một phần trong lượng chất lỏng bạn uống vào nhưng tốt nhất bạn nên tránh tiêu thụ quá nhiều caffeine khi mang thai. Caffeine là chất lợi tiểu, khiến bạn đi tiểu nhiều hơn, do đó bạn sẽ bị mất nước và phải đi vệ sinh thường xuyên. Caffeine cũng được tìm thấy trong trà xanh. Hầu hết trà trái cây và thảo dược đều an toàn để uống khi mang thai nhưng chỉ ở mức độ vừa phải.
Đồ uống có ga, có ga: Những thức uống này không chứa chất dinh dưỡng mà bạn và con bạn cần. Chúng cũng có thể làm nặng thêm tình trạng ợ chua. Bạn nên kiểm tra thông tin thành phần đồ uống để biết chúng có chứa caffeine hay không trước khi uống.
Nước tăng lực: Bạn hãy tránh xa hoàn toàn các loại nước tăng lực vì chúng thường chứa hàm lượng caffeine rất cao. Chúng cũng có thể chứa chất kích thích khác không an toàn khi mang thai.
Rượu, bia: Các chuyên gia khuyên bạn nên tránh uống rượu hoàn toàn khi đang mang thai. Đặc biệt là tránh uống rượu trong 3 tháng đầu vì nó làm tăng nguy cơ sẩy thai. Rượu không được tính vào lượng nước uống hàng ngày của bạn vì nó thực sự làm bạn mất nước.

Làm thế nào để đảm bảo nước uống an toàn và sạch sẽ?
Để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường nước, bạn cần đảm bảo chỉ uống nước lọc, nước đóng chai hoặc nước đun sôi. Nước không sạch có thể mang theo nhiều vi trùng và chất gây ô nhiễm. Đây là những nguy cơ sức khỏe và có khả năng gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
Nếu bạn đi ra ngoài, hãy mang theo nước của riêng mình để đảm bảo nước sạch và an toàn. Nếu bạn mua nước đóng chai, hãy đảm bảo chai được đóng kín, luôn kiểm tra ngày sản xuất và hạn sử dụng trước khi mua.
Nếu bạn đi ăn ngoài, hãy luôn yêu cầu nước đóng chai, đóng kín từ một thương hiệu có uy tín và mở nắp tại bàn.
Nếu bạn thích nước lạnh, hãy yêu cầu một chai nước ướp lạnh, đậy kín thay vì đá viên. Đá có thể chứa chất gây ô nhiễm nếu được mua từ một nhà cung cấp địa phương không có cơ sở vệ sinh. Ngoài ra, không có cách nào để biết liệu đá có được làm bằng nước lọc hay không.
Theo BabyCenter