
Mẹ bầu có thể sử dụng vitamin tổng hợp để bổ sung vi chất cần thiết cho cơ thể, song không nên phụ thuộc vào các loại thực phẩm chức năng và cần tìm hiểu kỹ về liều lượng, công dụng trước khi bắt đầu.
Ngọc Anh
Thông thường, một chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng có thể cung cấp cho cơ thể hầu hết vitamin và khoáng chất cần thiết. Tuy nhiên, khi có ý định mang thai hoặc đang trong thai kỳ, cơ thể mẹ bầu sẽ cần cung cấp nhiều vi chất hơn cho sự hình thành và phát triển của em bé trong bụng.
3 loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho mẹ bầu
Khi mang thai, có 3 loại vitamin, khoáng chất không thể thiếu cho mẹ bầu là Axit Folic, vitamin D và I ốt. trong đó, các chuyên gia sản khoa khuyến cáo mẹ bầu cần bổ sung Acid Folic (vitamin B9) trong suốt thai kỳ, đặc biệt trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên để ngăn ngừa dị tật ở thai nhi như nứt đốt sống, sứt môi hoặc hở hàm ếch. Đây là vitamin cần thiết góp phần tạo hồng cầu, hỗ trợ tế bào máu và ảnh hưởng đến sự tổng hợp DNA, RNA trong cơ thể.
Các dị tật bẩm sinh thường xảy ra trong 3-4 tuần đầu của thai kỳ. Do đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo, phụ nữ nên bắt đầu bổ sung Axit Folic mỗi ngày trong 3 tháng, ít nhất là một tháng trước khi mang thai và tiếp tục mỗi ngày trong suốt thai kỳ. Mẹ bầu được khuyến khích bổ sung khoảng 400 - 500 mcg Axit Folic/ngày, bắt đầu từ trước khi mang thai để giảm rủi ro cho quá trình phát triển của bé trong giai đoạn đầu thai kỳ. Axit Folic có nhiều trong các loại rau lá xanh, rau chân vịt, các loại hạt, sữa, chuối… hoặc trong sản phẩm vitamin tổng hợp dành cho mẹ bầu.

Bên cạnh Acxit folic, I ốt cũng là vi chất quan trọng với sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là hệ thần kinh của trẻ. Đây là nguyên liệu cần thiết cho quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp, nếu người mẹ mang thai bị thiếu I ốt nghiêm trọng sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu, sinh non hoặc bé sinh ra bị mắc các dị tật bẩm sinh, suy giáp. I ốt có nhiều trong rong biển, muối I ốt, các loại hải sản, trứng, sữa…
Ngoài ra, vitamin D cũng là vi chất quan trọng giúp hấp thu và chuyển hóa các chất khoáng cần thiết như canxi, phốt pho vào cơ thể. Nếu cơ thể mẹ thiếu vitamin D trong quá trình mang thai sẽ làm tăng nguy cơ trẻ bị còi xương, thấp lùn. Để hấp thu vitamin D từ tự nhiên, mẹ bầu có thể dành thời gian tắm nắng sớm khoảng 20 đến 30 phút mỗi ngày hoặc bổ sung vitamin D khoảng 10 mcg/ngày. Với các mẹ bầu sống tại nơi có mùa đông lạnh ít ánh nắng mặt trời, bạn nên dùng thêm các loại vitamin bổ sung hoặc ăn nhiều trứng, thịt đỏ, các loại đậu, dầu cá… Đặc biệt, thai phụ không nên nạp hơn 100 mcg (4.000 IU) vitamin D một ngày vì có thể gây hại cho sức khỏe.
Bà bầu không nên dùng vitamin tổng hợp nào?
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng dù các loại viên uống bổ sung, vitamin tổng hợp khá an toàn nhưng cũng không thể thay thế một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, vận động và nghỉ ngơi hợp lý của mẹ bầu. Bạn nên nạp vào cơ thể các loại vitamin và khoáng chất cần thiết qua một chế độ dinh dưỡng khoa học, và chỉ sử dụng thêm vitamin tổng hợp cho mẹ bầu khi cần thiết.

Vitamin và các khoáng chất là những chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể vận hành nhưng chỉ ở một lượng nhỏ. Nếu dung nạp quá liều có thể gây hại cho sức khỏe của mẹ và bé. Đơn cử, mẹ bầu không nên nạp quá nhiều vitamin A. Theo khuyến nghị từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ mang thai không nên tiêu thụ quá 3.000 mcg của retinol (dạng hoạt động của vitamin A) mỗi ngày do nguy cơ gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Do đó, nếu có nhu cầu bổ sung vitamin qua đường viên uống tổng hợp, mẹ bầu chỉ nên sử dụng các sản phẩm được dán nhãn dành cho thai phụ, đồng thời ưu tiên dùng riêng các loại vitamin mà cơ thể cần. Hãy tham khảo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa nếu mẹ bầu có nhu cầu dùng vitamin tổng hợp.
Bên cạnh đó, trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu cũng cần lưu ý chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế các loại thực phẩm quá ngọt, quá mặn, đồ sống, cá biển chứa nhiều thủy ngân, các thực phẩm chứa chất kích thích như trà, cà phê hay các loại thuốc, thực phẩm có tiền sử gây dị ứng với cơ thể.
Theo NHS.UK