
Cơn giận dữ ở trẻ hay còn được gọi là thói ăn vạ là sự bùng nổ ngoạn mục của sự tức giận, thất vọng và hành vi vô tổ chức khi trẻ mất bình tĩnh.
Thảo Nhi
Trẻ sẽ la hét, chân tay cứng đờ, cong lưng, đá, ngã xuống, vùng vẫy hoặc bỏ chạy. Trong một số trường hợp, trẻ nín thở, nôn mửa, đập vỡ đồ đạc hoặc làm tổn thương bản thân hoặc người khác như một phần của cơn giận dữ.
Lý do trẻ ăn vạ
Thói ăn vạ thường gặp ở trẻ em 1-3 tuổi. Lý do là trẻ vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển về mặt xã hội, cảm xúc và ngôn ngữ. Không phải lúc nào trẻ cũng có thể truyền đạt nhu cầu và cảm xúc của mình, bao gồm cả mong muốn làm mọi việc cho bản thân. Vì vậy, trẻ có thể cảm thấy thất vọng, và trẻ đang học được rằng cách chúng cư xử sẽ ảnh hưởng đến người khác. Giận dữ là một trong những cách trẻ nhỏ thể hiện và quản lý cảm xúc, đồng thời cố gắng hiểu hoặc thay đổi những gì đang diễn ra xung quanh.
Trẻ lớn hơn cũng có thể nổi cơn thịnh nộ. Điều này có thể do trẻ chưa học được những cách an toàn để thể hiện hoặc quản lý cảm xúc.
Đối với cả trẻ mới biết đi và lớn hơn, có những điều có thể khiến cơn giận dữ dễ xảy ra hơn như tính khí, căng thẳng, đói khát, mệt mỏi và bị kích thích quá mức hoặc những tình huống mà trẻ không thể giải quyết được. Những điều này có thể khiến trẻ khó thể hiện, kiểm soát cảm xúc và giữ bình tĩnh hơn.

Cách để trẻ ít giận dữ - ăn vạ hơn
Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để khiến cơn giận dữ ít xảy ra hơn:
• Giúp con bạn hiểu được cảm xúc của mình. Bạn có thể làm điều này ngay từ khi sinh ra bằng cách sử dụng các từ để gọi tên các cảm giác như 'vui', 'buồn', 'khó chịu', 'mệt mỏi', 'đói' và 'thoải mái'.
• Xác định các tác nhân gây ra cơn giận dữ như mệt mỏi, đói, lo lắng, sợ hãi hoặc bị kích thích quá mức. Bạn có thể lập kế hoạch cho những tình huống này và tránh các tác nhân gây ra.
• Khi con bạn xử lý một tình huống khó khăn mà không nổi cơn thịnh nộ, hãy khuyến khích chúng hiểu cảm giác của việc này. Ví dụ: “Mẹ vừa thấy con xây lại tòa tháp đó mà không thấy khó chịu khi nó đổ xuống. Cảm giác đó thế nào? Con có cảm thấy mình rất mạnh mẽ và bình tĩnh không?”
• Nói về cảm xúc sau cơn giận dữ khi con bạn bình tĩnh lại. Ví dụ: “Con ném món đồ chơi đó vì con tức giận do nó không hoạt động phải không? Con có thể làm gì khác hơn không?”
• Làm mẫu những phản ứng tích cực trước căng thẳng. Ví dụ: “Mẹ lo tình trạng giao thông này sẽ khiến chúng ta đến muộn. Nếu mẹ hít thở sâu, nó sẽ giúp mẹ giữ bình tĩnh".
Cách xử lý cơn giận dữ khi chúng xảy ra
Đôi khi những cơn giận dữ vẫn xảy ra, bất kể bạn có làm gì để tránh chúng. Khi cơn giận dữ xảy ra, cách phản ứng tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ:
• Đối với trẻ mới biết đi, việc dành thời gian có tác dụng tốt - hãy ở gần, an ủi và trấn an trẻ rằng bạn hiểu cảm xúc của chúng.
• Đối với trẻ lớn hơn, bạn có thể sử dụng 5 bước xoa dịu cảm xúc - xác định cảm xúc, đặt tên cho nó, tạm dừng, hỗ trợ trẻ trong khi trẻ bình tĩnh lại và giải quyết vấn đề khiến trẻ nổi cơn thịnh nộ.
Và những lời khuyên này có thể giúp mọi người bớt căng thẳng hơn:
• Hãy chắc chắn rằng con bạn và những người khác ở gần đó được an toàn. Điều này có thể có nghĩa là phải mang con bạn đi nơi khác nếu bạn cần.
• Khi con bạn đã ở nơi an toàn, hãy bình tĩnh thừa nhận cảm xúc mà con đang thể hiện - nói chậm và nói nhỏ.
• Ở yên lặng với con bạn cho đến khi bé bình tĩnh lại. Chạm hoặc giữ con nếu bé muốn hoặc cho con thêm không gian vật lý nếu bé cần. Đừng cố gắng lý luận với con bạn.
• Hãy nhất quán về việc không nhượng bộ trước những yêu cầu. Điều này sẽ giúp con bạn biết rằng những cơn giận dữ không giúp chúng đạt được điều chúng muốn.
• Hãy thử một 'chỉ dẫn nghịch lý'. Điều này có nghĩa là cho phép con bạn la hét cho đến khi bé sẵn sàng dừng lại. Ví dụ: “Con có thể hét to hơn nếu muốn. Đây là một công viên lớn và chúng ta không làm phiền ai cả”.
• An ủi con bạn khi bé đã bình tĩnh lại.
Ở trẻ mẫu giáo và trẻ ở độ tuổi đi học sớm: Ở độ tuổi này, trẻ cũng hiểu rõ hơn rằng hành động của mình có tác dụng. Ví dụ, sau khi con bạn đã bình tĩnh lại sau cơn giận dữ, bạn có thể giải thích rằng hậu quả tự nhiên của việc nổi cơn thịnh nộ là những đứa trẻ khác có thể không muốn chơi với chúng.
Theo raisingchildren