
Mẹ chồng tôi cho rằng ăn trứng ngỗng bổ và giúp con thông minh, nên ngoài đồ tẩm bổ, bà còn luộc cho tôi ăn đến 4 quả trứng ngỗng mỗi tuần. Ăn trứng ngỗng đến phát sợ, thế nhưng sợ mẹ chồng buồn, tôi không dám từ chối.
Chia sẻ bởi Diệu Linh
Người ta thường nói về mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, mẹ chồng không quan tâm và yêu thương con dâu lúc mang bầu. Còn tôi lại stress vì được mẹ chồng chăm, quan tâm quá mức. Bà chỉ có một mình chồng tôi nên mọi yêu thương bà dành hết cho vợ chồng tôi, nhất là đứa con dâu này, mà như bà nói là xem như con gái.
Chuyện đang vui cho tới khi tôi có bầu, và nỗi kinh hãi mang tên trứng ngỗng bắt đầu. Chắc nhiều mẹ cũng như tôi. Ngay từ lúc hay tin con dâu có bầu, việc đầu tiên bà làm là lên thực đơn ăn uống với vô số đồ tẩm bổ như yến, cá hồi, chim câu, cá chép và tất nhiên là cả trứng ngỗng. Bà đặt người quen nên rất sẵn trứng ngỗng trong nhà, một tuần bà bắt tôi ăn tới 4 quả. Bà bảo trứng ăn bổ và còn giúp con thông minh. Nghe lời mẹ chồng, tôi cũng ăn vừa là để bà vui, vừa là tốt cho con. Nhưng ăn nhiều quá, tôi sợ luôn trứng, dù trước đó tôi rất thích ăn trứng gà, trứng vịt.

Sau một thời gian, tôi đi khám thì phát hiện bản thân tăng cân quá nhiều trong khi thai nhi bị thiếu hụt chất dinh dưỡng. Con còn chậm phát triển hơn mức bình thường. Lúc này, tôi mới nhận ra mình đang ăn chế độ không ổn. Tôi bắt đầu tìm hiểu về chế độ ăn và trứng ngỗng. Và tôi nhận ra:
Thứ nhất, trứng ngỗng có hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn cả trứng gà. Việc ăn để nhiều chất, con lớn hơn là sai. Thực tế, rất nhiều người vì lý do hiếm nên đã nhầm tưởng những giá trị dinh dưỡng của nó, đặc biệt là với sức khỏe cho các bà bầu. Sự thực là các vitamin có trong trứng ngỗng không đầy đủ như trứng gà. Do đó, thay vì cố gắng tìm được trứng ngỗng để ăn, chúng ta có thể dùng trứng gà để thay thế. Đỡ ngán hơn đấy.
Thứ 2, một thành phần chứa nhiều trong trứng ngỗng đó là cholesterol và lipid, đây là những chất không tốt cho sức khỏe và hệ tim mạch. Nếu sử dụng nhiều, phụ nữ mang thai có nguy cơ bị thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, cao huyết áp…
Thứ 3, ăn gì dù tốt mấy mà ăn quá nhiều cũng không tốt. Họ đã ghi nhận nhiều trường hợp phụ nữ mang thai bị béo phì vì đã lạm dụng thái quá thực phẩm giàu lipid như trứng ngỗng. Do đó, chúng ta chỉ nên ăn đủ số lượng ở mức cho phép thì mới phát huy được hiệu quả.
Cuối cùng, quan trọng nhất là hiện nay, chưa thấy có một đánh giá hay nghiên cứu khoa học nào khẳng định mối liên quan giữa việc ăn trứng ngỗng trong giai đoạn mang thai sẽ thúc đẩy sự phát triển tốt ở thai nhi cũng như có tác dụng làm cho trẻ sau khi sinh ra được thông minh hơn.
Sau khi tìm hiểu được các thông tin này, tôi đã nói chuyện với mẹ chồng. May mắn bà cũng lắng nghe và thay đổi. Mỗi loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khác nhau. Do đó, các bà bầu cần ăn đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày để bổ sung các chất dinh dưỡng cho nhau và không nên ăn quá 3 lần/tuần. Chúng ta không nên lạm dụng trứng ngỗng, và tốt nhất hãy nói chuyện thân tình với các bà nhé.