
Những tháng đầu thai kỳ là giai đoạn quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Việc hiểu rõ những thay đổi của cơ thể trong giai đoạn này giúp mẹ bầu chăm sóc bản thân tốt hơn.
Minh Tú
Tam cá nguyện đầu là giai đoạn cơ thể mẹ trải qua những biến đổi đáng kể để chuẩn bị cho sự ra đời của một sinh linh mới. Cùng khám phá 10 thay đổi thú vị mà cơ thể bạn đang trải qua nhé.
Ốm nghén
Ai từng mang thai chắc chắn không thể quên cảm giác buồn nôn và mệt mỏi của ốm nghén. Mùi hương, thức ăn, thậm chí cả ánh sáng cũng có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu. Ốm nghén thường xuất hiện vào buổi sáng, nhưng cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào do sự thay đổi hormone, đặc biệt là hormone hCG, gây ra những phản ứng khác nhau ở mỗi người.
Mẹ bầu nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, chọn những thức ăn dễ tiêu, uống đủ nước và ưu tiên nghỉ ngơi. Bên cạnh đó là tránh các mùi khó chịu, ăn gừng, uống nước chanh ấm để giảm bớt cảm giác buồn nôn.
Mệt mỏi
Cảm giác mệt mỏi có thể đeo bám mẹ bầu trong suốt 3 tháng đầu. Cơ thể mẹ đang làm việc rất chăm chỉ để nuôi dưỡng thai nhi, nên việc cảm thấy mệt mỏi là điều hoàn toàn bình thường.
Ngoài ra, do sự thay đổi hormone, tăng nhu cầu năng lượng và việc cơ thể phải thích nghi với một “bạn đồng hành” mới cũng là nguyên nhân khiến mẹ bầu mệt mỏi.

Ngực căng tức và thay đổi
Ngực của mẹ bầu trong giai đoạn này đang chuẩn bị cho một sứ mệnh đặc biệt quan trọng - nuôi dưỡng em bé. Dưới tác động của các hormone, đặc biệt là estrogen và progesterone, ngực mẹ bắt đầu có những biến đổi rõ rệt. Đầu tiên là cảm giác căng tức, đôi khi hơi đau nhức, giống như trước khi đến kỳ kinh nguyệt, nhưng sẽ rõ rệt và kéo dài hơn. Ngoài ra, ngực mẹ bầu to lên trông thấy và nhũ hoa cũng sẫm màu hơn.
Những thay đổi này có thể khiến mẹ bầu cảm thấy hơi bất ngờ, thậm chí lo lắng. Tuy nhiên, đây là những dấu hiệu hoàn toàn bình thường và cho thấy cơ thể đang chuẩn bị rất tốt cho hành trình làm mẹ. Các tuyến sữa đang phát triển, mạch máu lưu thông mạnh hơn để cung cấp đủ dinh dưỡng cho quá trình tiết sữa sau này.
Để chăm sóc ngực trong giai đoạn này, mẹ bầu nên chọn những chiếc áo vừa vặn, làm bằng chất liệu cotton mềm mại, tránh mặc áo quá chật hoặc có gọng cứng. Ngoài ra, mẹ cũng nên massage ngực nhẹ nhàng bằng dầu dừa hoặc dầu ô liu để tăng cường tuần hoàn máu và giảm cảm giác khó chịu.
Đi tiểu thường xuyên
Hormone hCG hoạt động trong thai kỳ là nguyên nhân khiến mẹ bầu có nhu cầu đi tiểu nhiều lần. Hormone này làm tăng lưu lượng máu về phía vùng chậu, tử cung và thận, khiến bàng quang bị chèn ép.
Khi chưa mang thai, bàng quang của phụ nữ có thể chứa được một lượng lớn nước tiểu (khoảng 400-500 ml). Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu của thai kỳ, việc tử cung mở rộng và bắt đầu chèn ép lên bàng quang khiến các mẹ thường xuyên có cảm giác muốn đi tiểu nhiều hơn.
Thay đổi tâm trạng
Bên cạnh những thay đổi về thể chất, tâm trạng của các mẹ cũng “dậy sóng” không kém. Có những lúc mẹ tràn đầy hạnh phúc, háo hức chờ đón thiên thần nhỏ, nhưng cũng có lúc mẹ cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, thậm chí buồn bã.
Thay đổi nội tiết tố chính là “thủ phạm” gây ra những cảm xúc trái ngược này. Mẹ có thể cảm thấy lo lắng về sức khỏe của em bé hay những thay đổi trong cơ thể mình và tương lai sắp tới. Đôi khi, những giấc mơ kỳ lạ cũng khiến mẹ cảm thấy hoang mang.
Để giúp bản thân cảm thấy tốt hơn, mẹ bầu hãy chia sẻ những cảm xúc này với người thân, bạn bè hoặc tham gia các lớp học dành cho phụ nữ mang thai.
Táo bón
Đây là tình trạng khá phổ biến ở mẹ bầu trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Cảm giác bụng căng tức, đi vệ sinh khó khăn làm mẹ mệt mỏi và lo lắng.
Hormone progesterone tăng cao là tác nhân gây táo bón. Hormone này giúp tử cung co giãn, nhưng đồng thời làm chậm quá trình tiêu hóa. Bên cạnh đó, sự chèn ép của tử cung lên ruột cũng khiến việc đại tiện trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, các mẹ đừng quá lo lắng. Để cải thiện tình trạng này, mẹ hãy uống đủ nước mỗi ngày, tăng cường ăn rau xanh, trái cây giàu chất xơ và các loại hạt. Các thực phẩm lên men như sữa chua cũng rất tốt cho hệ tiêu hóa.
Cảm giác thèm ăn khác lạ
Một trong những điều khiến mẹ bầu thích thú nhưng đôi khi cũng hoang mang là cơn thèm ăn kỳ lạ. Có mẹ bầu thèm chua đến mức có thể ăn cả một quả chanh không đường, nhưng có mẹ lại thèm ngọt đến nỗi bánh kẹo là đồ ăn vặt không thể thiếu trong ngày. Những cơn thèm ăn kỳ lạ này đến từ sự thay đổi hormone, làm đảo lộn vị giác và khứu giác của mẹ bầu, tạo ra cảm nhận khác biệt về mùi vị.
Nếu mẹ bầu thèm chua, hãy ăn một ít quả mọng, cam, quýt, còn nếu thèm ngọt, hãy chọn những loại trái cây như chuối, xoài.

Chóng mặt và hoa mắt
Khi bắt đầu thai kỳ, nồng độ hormone trong cơ thể mẹ bầu có sự thay đổi nhanh chóng, giúp tăng quá trình lưu thông máu để thai nhi phát triển. Lưu lượng máu tăng nhanh khiến mẹ bầu dễ bị chóng mặt hơn so với bình thường, đặc biệt khi thay đổi tư thế.
Dù không quá nghiêm trọng, tình trạng này vẫn gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của mẹ bầu. Để giảm cảm giác khó chịu, mẹ hãy cố gắng nghỉ ngơi nhiều hơn, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là sắt, nhằm tránh thiếu máu. Khi đứng dậy, mẹ hãy đứng từ từ và giữ thăng bằng.
Da thay đổi
Làn da cũng không nằm ngoài những thay đổi trong 3 tháng đầu mang thai. Mẹ bầu sẽ thấy làn da trở nên nhạy cảm, dễ nổi mụn hơn và xuất hiện nám. Đó là do sự thay đổi nội tiết tố khiến tuyến dầu hoạt động mạnh mẽ.
Để chăm sóc làn da trong giai đoạn này, mẹ bầu nên chọn những sản phẩm dịu nhẹ, không chứa hương liệu và ưu tiên thành phần tự nhiên. Bên cạnh đó, mẹ cần lưu ý uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây để cung cấp vitamin cho da, đồng thời dành thời gian thư giãn, giảm stress.
Tăng hoặc giảm cân
Nhiều mẹ bầu vẫn giữ nguyên cân nặng trong 3 tháng đầu mang thai, thậm chí còn giảm nhẹ một chút do ốm nghén, chán ăn. Cảm giác buồn nôn, mệt mỏi khiến mẹ không muốn ăn uống, dẫn đến sụt cân.
Tuy nhiên, cũng có những mẹ bầu tăng cân nhẹ trong 3 tháng đầu. Dù thai nhi còn rất nhỏ, cơ thể mẹ đã bắt đầu tích trữ năng lượng để chuẩn bị cho những tháng tiếp theo. Việc tăng cân một chút là hoàn toàn bình thường và cần thiết. Thông thường, mẹ bầu chỉ nên tăng khoảng 1-2 kg trong 3 tháng đầu.
Theo Cleveland Clinic