
Massage trong thai kỳ mang lại nhiều lợi ích về thể chất và tinh thần như điều hòa nội tiết tố, giảm căng thẳng, mệt mỏi, giảm đau lưng, mỏi cơ, sưng khớp từ đó có giấc ngủ ngon và sâu hơn.
LyLy
Khi mang bầu, tôi thường xuyên nhức mỏi, đặc biệt ở 3 tháng cuối. Tình trạng này ảnh hưởng khá nhiều đến sinh hoạt, làm việc hàng ngày. Để giữ tinh thần thoải mái, thể trạng tốt, tôi lướt Internet tìm hiểu các phương pháp massage, sau đó chọn lọc và thực hiện theo. Nếu đang tìm kiếm thông tin này, chị em có thể tham khảo các bước massage dưới đây và nhờ chồng, người thân hỗ trợ.
Vùng đầu
Bước 1: Cho lượng dầu massage vừa đủ vào chén, sau đó ngâm chén vào nước nóng để làm ấm dầu. Các mẹ nên dùng dầu olive, argan hoặc dầu dừa chứa nhiều vitamin tốt cho da đầu, an toàn với sức khỏe bà bầu.
Bước 2: Nhúng 10 đầu ngón tay vào dầu ấm, từ từ ôm đầu mẹ bầu và xoay tròn nhẹ nhàng, chậm rãi, tránh dùng sức quá mạnh.
Bước 3: Tiếp tục xoa bóp phía sau cổ và hai bên tai.

Cổ, vai và gáy
Mẹ bầu có thể tự thực hiện các thao tác này
Bước 1: Lấy tay trái xoa từ phần cuối xương sọ đến gáy và vai phải rồi trượt dài xuống cánh tay. Sau đó, bạn xoa theo chiều ngược lại. Sau 3 lần, mẹ dùng tay phải massage tương tự phần vai trái.
Bước 2: Dùng các đầu ngón tay miết dọc từ gáy, cổ và xuống vai theo mức độ mạnh dần đến khi cảm thấy được thư giãn vùng cơ.
Bước 3: Dùng tay trái đấm nhẹ từ cổ xuống vai phải và dùng tay phải lặp lại thao tác với vùng vai còn lại.
Bước 4: Dùng 2 bàn tay xoa từ trong ra ngoài lần lượt với vùng cổ, vai, cánh tay để tăng cường lưu thông khí huyết hiệu quả.

Vùng lưng
Bước 1: Mẹ bầu nằm nghiêng thoải mái trên giường.
Bước 2: Người thực hiện đứng phía sau, đặt 2 tay lên lưng mẹ bầu sao cho vị trí các ngón tay hướng về phía thắt lưng, hai ngón cái nằm ở hai bên đốt sống ngực đầu tiên.
Bước 3: Người thực hiện ấn ngón cái nhẹ nhàng, mẹ bầu từ từ thở ra. Ngược lại, khi thả lỏng ngón cái, mẹ bầu hít vào đều đặn.
Bước 4: Lặp đi lặp lại động tác này và từ từ di chuyển xuống phía dưới.

Bàn chân
Bước 1: Để mẹ bầu ngồi trên ghế sao cho bàn chân tiếp xúc với mặt đất
Bước 2: Bắt đầu từ bàn chân, người massage dùng ngón tay cái chà nhẹ vào phần phía sau mỗi ngón chân và xoa bóp nhẹ nhàng.
Bước 3: Tiếp tục với lòng bàn chân. Mẹ ấn ngón tay cái từ từ dọc theo chiều dài lòng bàn chân, từ gót tới các ngón.
Chị em có thể thử kết hợp tinh dầu oải hương, dừa, gừng hay tinh dầu tràm trà… để giúp động tác xoa bóp dễ dàng và thư giãn hơn.
Massage khi mang thai đem lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và em bé, bạn cần hiểu rõ thể trạng của bản thân, giai thai kỳ, chú ý tư thế, cường độ và quan sát các biểu hiện bất thường trong quá trình massage.