
Bạn có thể đã nghe nói axit folic rất quan trọng khi mang thai. Dưới đây là tư vấn của các chuyên gia về công dụng và lợi ích của nó đối với phụ nữ mang thai.
Tuyết Trần
Axit folic là gì?
Axit folic là một loại vitamin B mà tất cả con người đều cần. Nó được sử dụng để tạo ra các tế bào hồng cầu mới trong cơ thể. Khi không có đủ tế bào máu, bạn có thể bị thiếu máu. Axit folic được tìm thấy trong các loại rau lá xanh, trái cây và các loại hạt. Nó được sử dụng như chất tăng cường trong thực phẩm (bánh mì và ngũ cốc ăn sáng), đồng thời là thành phần của nhiều chất bổ sung vitamin.
Đôi khi thuật ngữ "folate" và "axit folic" được dùng có nghĩa giống nhau, nhưng chúng không giống nhau. Folate đề cập đến vitamin B xuất hiện tự nhiên trong thực phẩm, trong khi axit folic là một dạng folate được sản xuất, sử dụng làm chất tăng cường thực phẩm hoặc bổ sung vitamin. Cả hai loại đều tốt cho sức khỏe và hữu ích khi sử dụng.
Tại sao bác sĩ kê đơn axit folic trước và trong khi mang thai?
Mọi người đều cần duy trì lượng axit folic đầy đủ, nhưng nó đặc biệt quan trọng đối với những người đang mang thai hoặc người mong muốn có thai. Axit folic là nền tảng cho sự phát triển thần kinh bình thường của trẻ. Mức axit folic đầy đủ có thể giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở não và cột sống.

Ngoài việc ngăn ngừa dị tật ống thần kinh, axit folic có thể giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh như sứt môi và vòm miệng. Axit folic cũng hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của nhau thai, cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho em bé, có thể đóng vai trò ngăn ngừa các biến chứng khi mang thai như sinh non và tiền sản giật.
Khi nào nên bổ sung axit folic?
Hầu hết mọi người nghĩ rằng việc bổ sung axit folic là điều cần bắt đầu ngay khi bạn mang thai, nhưng bạn nên bắt đầu bổ sung ngay cả trước khi thụ thai. Nên bổ sung axit folic ít nhất một đến ba tháng trước khi mang thai và sau đó trong suốt thời gian mang thai.
Không phải tất cả người mang thai đều lên kế hoạch trước, do đó, những người không sử dụng biện pháp tránh thai hoặc có nguy cơ mang thai ngoài ý muốn cũng nên bổ sung axit folic.
Bạn nên dùng bao nhiêu axit folic?
Theo Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), người mang thai nên tiêu thụ khoảng 600 microgam axit folic mỗi ngày. Vì khó có thể hấp thụ axit folic chỉ từ thực phẩm nên các chuyên gia y tế khuyên bạn nên dùng vitamin dành cho bà bầu hàng ngày với ít nhất 400 microgam axit folic bắt đầu ít nhất một tháng trước khi mang thai. Ngoài ra, bạn có thể tập trung vào việc đảm bảo tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng folate cao.
Trước khi mang thai, bạn nên tiêu thụ 400 microgam axit folic mỗi ngày; tuy nhiên, một số cá nhân nên dùng nhiều hơn. Những người có thể cần nhiều axit folic như trường hợp có thai kỳ trước bị ảnh hưởng bởi khuyết tật ống thần kinh hoặc những người đang sử dụng một số loại thuốc. Bạn nên trao đổi với bác sĩ sản khoa để có được hàm lượng dùng phù hợp.
Ai không nên dùng axit folic?
Có rất ít trường hợp cần thận trọng khi bổ sung axit folic. Hầu hết mọi người đều có thể dùng axit folic trừ khi trước đây từng bị dị ứng với nó. Ngoài ra, những người có tiền sử mắc một số loại ung thư, những người bị co giật và thiếu vitamin B12 có thể cần tránh bổ sung axit folic.
Cách tốt nhất để bổ sung axit folic khi mang thai
Các chuyên gia khuyến nghị phụ nữ mang thai nên tiêu thụ axit folic cả ở dạng bổ sung và thực phẩm tăng cường axit folic, cũng như trái cây và rau giàu folate.

Đối với vitamin, bạn có thể uống bất kỳ loại vitamin bổ sung nào mà bạn có thể hấp thụ được. Về nguồn thực phẩm, cũng có rất nhiều sự lựa chọn, đặc biệt đối với những người đang phải đối mặt với cơn chán ăn hoặc ốm nghén. Bạn có thể dùng bánh mì, ngũ cốc, mì ống, gạo, bột mì và hầu hết loại ngũ cốc khác. Đối với các thực phẩm chế biến sẵn khác, hãy xem nhãn thực phẩm để biết liệu axit folic có phải là một thành phần hay không.
Ngoài ra, còn có nhiều loại thực phẩm là nguồn cung cấp folate, dạng axit folic tự nhiên. Chúng bao gồm các loại rau lá xanh đậm (như rau bina và cải xoăn), cam, chuối, đậu lăng, đậu mắt đen, bơ, măng tây, gan bò.
Theo Parents.com