

Một số loại rau có cung cấp dinh dưỡng tốt cho quá trình mang thai, nhưng ăn quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm như cà tím, chùm ngây...
Cà tím
Cà tím chứa ít chất béo bão hòa và cholesterol. Cá tím cung cấp dồi dào chất xơ, giàu folate, kali, vitamin K, phốt pho cùng nhiều loại vitamin và khoáng chất thiết yếu khác.
Tuy cà tím có chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho quá trình mang thai, nhưng ăn quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm. Cà tím chứa hàm lượng phytohormone khá cao, có khả năng kích thích kinh nguyệt, đồng thời giúp chữa các vấn đề kinh nguyệt như vô kinh. Hàm lượng quá nhiều phytohormone kết hợp toxoplasmosis có trong cà tím có thể thúc đẩy chuyển dạ sớm và sinh non.
Loại quả này cũng có tính axit cao, có thể kích hoạt các vấn đề về axit, thậm chí gây khó chịu dạ dày trong quá trình mang thai.

Chùm ngây
Nếu so giá trị dinh dưỡng, thì hàm lượng dinh dưỡng của chùm ngây cao hơn nhiều một số thực phẩm khác. Ngoài giá trị dinh dưỡng cao, chùm ngây còn là dược liệu quý chữa bệnh. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên ăn quá nhiều rau chùm ngây vì loại cây này chứa dưỡng chất, hàm lượng vitamin C và canxi cao, dễ dẫn đến cơ thể bị thừa chất, gây hậu quả xấu cho sức khỏe.
Ở một số tộc người trên thế giới, chẳng hạn tại vùng Tây Bengal (Ấn Độ), rễ cây chùm ngây được sử dụng như một vị thuốc để tránh thai. Chùm ngây có chứa alpha-sitosterol, một chất giúp ngừa thai bằng cách khiến trứng đã thụ tinh không thể bám vào thành tử cung để làm tổ. Đối với những phụ nữ đang mang thai, chất alpha-sitosterol sẽ gây co cơ trơn của tử cung, dẫn đến sảy thai.

Giá đỗ
Giá đỗ chứa lượng vitamin E khá cao, giúp tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa nhiễm trùng và hạn chế nguy cơ sảy thai sớm, nhất là trong 3 tháng thai kỳ đầu tiên. Vitamin C và vi chất có trong giá đỗ giúp tăng sức đề kháng, ngăn ngừa các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch hoặc hô hấp. Giá đỗ cũng là một loại rau và chứa nhiều chất xơ giúp quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh chóng, trơn tru hơn, hạn chế đầy bụng hoặc táo bón. Chúng chứa chất mangan, kết hợp estrogen có tác dụng tăng cường mật độ xương, từ đó giảm nguy cơ loãng xương ở mẹ cũng như đảm bảo sự phát triển xương của thai nhi.

Tuy nhiên, phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn các loại rau mầm họ đỗ, trong đó có giá đỗ. Bởi các loại rau mầm này có nguy cơ nhiễm khuẩn E.coli, Listeria, Salmonella. Các loại vi khuẩn này xâm nhập vào hạt đỗ trong quá trình nứt vỏ. Do đó, giá đỗ mặc dù giàu dinh dưỡng tốt cho mẹ và bé, song đây không phải là loại thực phẩm được khuyến khích sử dụng thường xuyên.
Măng tươi
Măng chứa nhiều vitamin A, vitamin E, cùng một số khoáng chất, mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho mẹ bầu. Theo đó, chị em có thể bổ sung măng vào thực đơn thai kỳ, bao gồm cả măng tươi và măng khô, nếu biết ăn đúng cách. Cụ thể, mẹ bầu chỉ nên ăn 1 đến 2 bữa măng trong một tuần, mỗi bữa tối đa 200 gram.
Đặc biệt, mẹ bầu không nên ăn măng trong 3 tháng đầu thai kỳ. Giai đoạn này, cơ thể mẹ bầu rất nhạy cảm vì có nhiều thay đổi. Việc ăn măng có thể gây ra tình trạng khó tiêu, đầy hơn và giảm chuyển hóa sắt trong cơ thể (do tác động từ glucozit trong măng). Ngoài ra, để an toàn khi dùng măng, bạn cần chú ý khâu sơ chế nhằm loại bỏ tối đa độc chất cyanide còn tồn đọng.
Rau mầm
Rau mầm có giá trị dinh dưỡng cao gấp 5 lần so với các loại rau thông thường. Đặc biệt, rau mầm chứa enzym nhiều gấp 100 lần so với rau quả tươi, tạo điều kiện để cơ thể chuyển hóa thức ăn và hấp thụ nhiều vitamin, khoáng chất cần thiết. Ngoài ra, lượng protein, axit béo, chất xơ thiết yếu tăng lên đáng kể trong quá trình rau nảy mầm. Bên cạnh đó, rau mầm còn là nguồn cung cấp dồi dào chlorophyl, caroten, đạm dễ tiêu.

Dù vậy, mẹ bầu nên tránh ăn rau mầm sống bởi rau có thể chứa nhiều loại vi khuẩn gây ngộ độc cho phụ nữ mang thai như listeria, salmonella và E.coli. Vi khuẩn có thể phát triển mạnh do rau mầm được trồng trong môi trường ấm, ẩm. Việc bảo quản không đúng cách cũng khiến rau nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn. Nếu muốn ăn rau mầm, phụ nữ mang thai nên rửa sạch, nấu chín để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.